(HNM) - Để tạo thuận lợi và đáp ứng nhu cầu của người dân, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã, đang đưa ra thị trường thêm nhiều dịch vụ tài chính số. Trong đó có dịch vụ thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt, góp phần thực hiện “Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23-2-2018).
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT - Media (thuộc Tập đoàn VNPT), một trong những giải pháp cho thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt mà VNPT triển khai là định danh vạn năng (Mobile Connect). Cụ thể, với Mobile Connect, người dùng có thể đăng nhập nhanh chóng vào các trang web và ứng dụng mà không cần nhớ mật khẩu và tên người dùng. Người dùng chỉ cần ấn vào nút "OK", hoặc nhập mã pin là có thể bảo đảm được bảo mật mức độ 3, hoặc 4. Giao thức này cũng có thể khắc phục được các lỗ hổng bảo mật.
Cùng với đó, VNPT sử dụng ứng dụng định danh điện tử (eKYC) vào thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt, nhằm xác minh danh tính của khách hàng. Đây cũng là phương thức xác định duy nhất một cá nhân, hoặc một tổ chức dựa trên các dữ liệu điện tử. Trong đó, eKYC sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để bóc tách thông tin trên giấy tờ cá nhân, xác minh ảnh chân dung và ảnh giấy tờ cá nhân, chống giả mạo ảnh chân dung gửi lên hệ thống, lưu trữ và xác minh tư liệu. Một giải pháp khác được VNPT triển khai là cổng thanh toán dịch vụ công (Payment connect). Dựa trên ứng dụng này, VNPT sẽ cung cấp nền tảng thanh toán trung gian, kết nối giữa cổng dịch vụ công quốc gia với các kênh thanh toán (ngân hàng, cổng trung gian thanh toán…).
Trước đó từ năm 2016, VNPT đã triển khai dịch vụ thanh toán điện tử - VNPT Pay, trong đó đã tích hợp để 30 triệu khách hàng dùng các dịch vụ của VNPT có thể thanh toán hóa đơn, từ nạp tiền điện thoại, điện, nước, vé xem phim; đến mua vé máy bay, mua bảo hiểm...
“Đây sẽ là phương tiện để thanh toán dịch vụ công trực tuyến. Chúng tôi cũng sẽ tích hợp VNPT Pay trong hệ thống thanh toán điện tử của các cơ sở giáo dục, y tế, hành chính công của các tỉnh, thành phố - những địa phương đã hợp tác chiến lược với Tập đoàn VNPT” - ông Nguyễn Sơn Hải cho biết. Hiện, VNPT Pay đã nghiệm thu việc triển khai dịch vụ hành chính công mức độ 4 và sẵn sàng cung cấp tại hai tỉnh Ninh Bình và Quảng Bình; đang thực hiện kết nối kỹ thuật tại tỉnh Hà Giang...
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, với xu hướng chung, việc thanh toán qua di động (Mobile Money) rất tiện lợi với người dân, giúp thanh toán các dịch vụ thiết yếu, trong đó có dịch vụ công. Vì đặc thù các khoản thanh toán dịch vụ công là các khoản thanh toán có giá trị vừa và nhỏ, phù hợp với thị trường Việt Nam với tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp. Thêm nữa, có một số lý do để Mobile Money có thể phát triển được, đó là khoảng 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, trong khi các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt chỉ tập trung ở các đô thị lớn. Bên cạnh đó, mật độ thuê bao di động tại Việt Nam đã trên ngưỡng 100%, là điều kiện thuận lợi để triển khai Mobile Money. “Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng đề án thanh toán qua di động - Mobile Money trình Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước với mong muốn sớm được cấp phép triển khai dịch vụ này tới hàng chục triệu khách hàng của mình” - ông Nguyễn Sơn Hải khẳng định.
Ngoài ra, VNPT đã hoàn thiện toàn bộ giải pháp công nghệ và kỹ thuật với hệ sinh thái dịch vụ VNPT (gồm VnEdu - sổ liên lạc điện tử; VNPT-HIS - phần mềm quản lý bệnh viện, VNPT-iGate - dịch vụ hành chính công…) sẵn sàng cung cấp qua Mobile Money ngay khi được cấp phép. Dự kiến, nếu đề án được phê duyệt, trong năm 2020, VNPT sẽ "phủ" dịch vụ Mobile Money tới 100.000 điểm bán trên toàn quốc, tiến tới tham gia các dịch vụ thương mại điện tử và các điểm chấp nhận thanh toán.
Với những nỗ lực trên, VNPT kỳ vọng các giải pháp thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt sẽ góp phần thúc đẩy triển khai chính phủ điện tử và phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.