Năm 2023, tổng doanh thu tập đoàn VNPT đạt 54.856 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 4.468 tỷ đồng. VNPT nộp ngân sách nhà nước 3.849 tỷ đồng.
Chiều 21-12, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch năm 2024.
Năm 2023, tổng doanh thu tập đoàn đạt 54.856 tỷ đồng, bằng 102,14% so với năm 2022; lợi nhuận đạt 4.468 tỷ đồng, bằng 100,7% năm ngoái, riêng lợi nhuận công ty mẹ là 2.824 tỷ đồng, bằng 100,1%. VNPT nộp ngân sách nhà nước 3.849 tỷ đồng, đạt 112,7% kế hoạch.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái cho biết, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu được giao, trong đó có hai chỉ tiêu quan trọng là nộp ngân sách nhà nước đạt 112,7% kế hoạch, tập đoàn đã xây dựng các giải pháp sản xuất kinh doanh, tập trung “thông minh hóa” sản phẩm cung cấp cho khách hàng, làm chủ các nền tảng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData), internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)…
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, kinh tế, xã hội phát triển cần có hạ tầng mới, hạ tầng số. Tuy nhiên, các nhà mạng lại chưa đầu tư xây dựng hạ tầng số. Trong khi đó, không gian cũ đã hết dư địa, doanh thu dịch vụ truyền thống ngày càng suy giảm…
“Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số. Hạ tầng số phải được ưu tiên đầu tư hiện đại hoặc đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Do vậy, VNPT cần đầu tư mạnh cho hạ tầng, vừa là “nghề” của mình, vừa là trách nhiệm với đất nước, mà hơn nữa, hạ tầng là lợi thế cạnh tranh của chính doanh nghiệp”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý VNPT lập kế hoạch để phủ sóng 5G toàn quốc với công nghệ SA để nâng cao tốc độ, đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng như tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định. Cùng với đó, VNPT phải sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ 5G, cung cấp cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
VNPT hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và các lĩnh vực. VNPT sẽ có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp khác - Bộ trưởng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.