Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viết, vẽ bậy lên di tích: Thiếu giải pháp ngăn chặn hiệu quả

Linh Nhi| 17/11/2018 08:22

(HNM) - Hà Nội nổi tiếng với nhiều di tích danh thắng có bề dày lịch sử, văn hóa đậm chất dân tộc Việt... Đáng tiếc, nhiều di tích đã và đang bị xâm hại bởi một số người thiếu ý thức.

Những di tích đặc biệt như Tháp Bút cần được gìn giữ, tránh bị xâm hại, vẽ bẩn. Ảnh: Thái Hiền


Nhiều di tích bị xâm hại

Sống ở nước ngoài mấy năm mới về nước, anh Nguyễn Xuân Lâm ở TP Hồ Chí Minh dành thời gian cùng gia đình ra Hà Nội thăm bà con và tranh thủ tham quan, chiêm ngưỡng các di tích, danh thắng của Thủ đô như Cột cờ Hà Nội, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cụm di tích đền Ngọc Sơn, tháp Hòa Phong... Điều khiến anh Lâm không khỏi xót xa là nhiều khu di tích bị “bôi” xấu bởi những nét vẽ, khắc nguệch ngoạc tên, ký tự. Trong đó, ngay bên hồ Hoàn Kiếm, 2 di tích là tháp Hòa Phong và Tháp Bút bị "bôi bẩn" là ví dụ của tình trạng này...

Cùng tâm trạng như anh Lâm, em Trần Thùy Trang, sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội khi thăm Cột cờ Hà Nội, cảm giác tự hào với lịch sử văn hóa dân tộc bao nhiêu, thì xót xa bấy nhiêu khi thấy di tích này bị xâm phạm không thương tiếc bởi những "bút tích" của nhiều người mới để lại nhằng nhịt trên các bức tường. Trang cho biết, em đã từng là tình nguyện viên quảng bá du lịch Hà Nội và từng nhắc nhở mọi người không vẽ, viết, khắc lên di tích. Vậy nhưng, đáng buồn là khi được nhắc nhở, nhiều người không những không dừng lại hành động thiếu ý thức đó, mà còn có thái độ giễu cợt, thách thức. Nhiều lần chứng kiến di tích bị xâm phạm, Trang tìm cách liên lạc với Ban Quản lý di tích, đề nghị người có thẩm quyền ngăn chặn, nhưng khi lực lượng chức năng đến nơi thì người vi phạm đã đi khỏi hoặc dừng hành động viết, vẽ, "bôi bẩn" nên không đủ căn cứ để xử phạt.

Dạo quanh nhiều khu di tích trên địa bàn Hà Nội, phóng viên nhận thấy tình trạng viết, vẽ, bôi bẩn làm mất mỹ quan có cả tồn tại cũ và phát sinh mới. Trong khi đó, việc khôi phục hiện trạng ban đầu không phải dễ vì nhiều di tích ở ngoài trời có lịch sử lâu đời, rêu phong cổ kính là nét đẹp rất đặc trưng...


Di tích tháp Hòa Phong bên hồ Hoàn Kiếm bị đục, vẽ bẩn. Ảnh: Thái Hiền


Nâng trách nhiệm, áp dụng chế tài mạnh

Trao đổi về vấn đề trên, nhiều cơ quan chức năng cho rằng, hành động viết, vẽ, khắc, bôi bẩn làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, công trình danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa nghệ thuật là vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo Điều 23 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với các hành vi này. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng hình phạt này còn bị bỏ ngỏ...

Ông Phạm Tùng Lâm, Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm cho biết, đơn vị này cố gắng làm đầy đủ các chức năng nhiệm vụ như tuyên truyền, nhắc nhở hướng dẫn du khách thực hiện quy định bảo vệ di sản, di tích nhằm ngăn chặn xâm phạm các khu di tích, danh thắng khu vực hồ Hoàn Kiếm. Cùng với đó là phối hợp với công an, chính quyền sở tại để xử lý các trường hợp có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ di tích. Tuy nhiên, ông Lâm thừa nhận: "Việc ngăn chặn, xử lý các hành vi viết, vẽ bậy lên di tích rất khó, bởi số lượt du khách đông, liên tục cả ngày và quanh năm. Trong khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ không đủ để túc trực mà vi phạm diễn ra nhanh, nhiều khi nhận tin báo đến nơi người vi phạm đã dời đi chỗ khác".

Ở khía cạnh khác, ông Phan Duy Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội chia sẻ: "Trên giấy tờ Cột cờ Hà Nội thuộc trung tâm này quản lý, nhưng trên thực tế chưa có sự bàn giao của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Cũng vì vậy, việc quản lý và xử lý vi phạm bị chồng chéo, hạn chế...".

Về biện pháp bảo vệ hiệu quả Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc khu di tích rộng hơn 54.000m2 này cho biết, từ năm 2017 đến nay, ở đây đầu tư hệ thống bộ đàm, camera giám sát và hoàn thiện toàn bộ hàng rào ngăn vào khu nhà bia và khu để chuông, tránh di vật bị xâm phạm. Cùng với đó, các cán bộ, nhân viên bảo vệ ở Khu di tích liên tục thị sát trong toàn khuôn viên quần thể di tích, để kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn và ngăn chặn các hành vi xâm phạm di tích, hiện vật. Bằng cách này, từ năm 2017 đến nay, khu di tích này không còn hiện tượng viết, vẽ, khắc, hay giẫm lên thảm cỏ, bẻ hoa, cây.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện chính quyền địa phương và phòng văn hóa - thông tin các quận, huyện (nơi có di tích) chỉ là đơn vị phối hợp quảng bá phát huy giá trị, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... Trong khi đó, việc ngăn chặn, xử lý xâm phạm như đã kể trên thuộc trách nhiệm trực tiếp của các ban quản lý di tích đó. Do có sự chồng chéo trách nhiệm, biện pháp ngăn chặn chưa rõ, chế tài xử phạt còn nhẹ và thiếu tính khả thi, nên còn “bỏ lọt” vi phạm.

Thực tế cho thấy, hành động tưởng chừng như vô hại khi khắc tên, bôi bẩn, vẽ bậy lên di tích lịch sử từ lâu đã trở thành thói quen xấu của nhiều người. Rõ ràng, để ngăn chặn, xử lí được tình trạng này cần phải quy kết trách nhiệm cụ thể chứ không thể chỉ nói mãi rồi đâu lại vào đấy!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Viết, vẽ bậy lên di tích: Thiếu giải pháp ngăn chặn hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.