(HNMO) - Trung Quốc trong những năm gần đây tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số nhằm bảo tồn các di tích văn hóa quan trọng.
Năm 1900, tại Hang Mạc Cao, Di sản thế giới được UNESCO công nhận ở Đôn Hoàng (tỉnh Cam Túc, Trung Quốc), các nhà khoa học và khảo cổ học đã mở cửa một căn phòng nhỏ cất giữ số lượng lớn cổ vật văn hóa.
Được đánh giá là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất thế kỷ XX, căn phòng có tên gọi “Hang thư viện” rộng chưa đầy 8m2 là nơi lưu giữ kho báu lịch sử với hơn 60.000 cổ vật, gồm nhiều bản thảo có niên đại từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ XI.
Ngày 21-4, Tân hoa xã đưa tin, Học viện Đôn Hoàng và tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Tencent mới đây đã phát triển “Hang động thư viện số” - nền tảng kỹ thuật số tương tác tái hiện bản sao của “Hang động thư viện” nhằm mục đích phục vụ hoạt động nghiên cứu và công chúng.
Nền tảng này sử dụng các công nghệ tiên tiến để tái tạo khung cảnh lịch sử của “Hang động thư viện”. Nhờ đó, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về các triều đại cổ, tương tác với 8 nhân vật lịch sử và hòa mình vào văn hóa của Đôn Hoàng.
Từ những năm 1980, Học viện Đôn Hoàng đã tìm cách ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong bảo tồn vĩnh viễn và khai thác bền vững các di tích văn hóa. Năm 2016, học viện này đã ra mắt một trang web cung cấp thông tin về Hang Mạc Cao đến đông đảo du khách thông qua hình ảnh, video, tài liệu lưu trữ và chế độ xem 360 độ.
Tháng 6-2022, Học viện Đôn Hoàng và Tencent đã thành lập một phòng thí nghiệm chung để khám phá các công nghệ và phương thức trưng bày di sản văn hóa mới thông qua ứng dụng công nghệ kỹ thuật số. “Hang động thư viện số” là một trong những dự án đầu tiên.
Những thông tin trên đã phản ánh nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm tăng cường bảo vệ các di tích văn hóa, sử dụng công nghệ kỹ thuật số như một phương thức mới để bảo tồn vĩnh viễn các tài nguyên phi vật thể.
Một ví dụ điển hình khác là ứng dụng kỹ thuật số để tái hiện hình ảnh của những bản khắc trên xương được công bố vào ngày 20-4 vừa qua, giúp du khách có thể tìm hiểu ý nghĩa của các ký tự, đồng thời khơi dậy nhận thức về hoạt động nghiên cứu và bảo tồn chữ viết cổ của Trung Quốc.
Cho đến nay, khoảng 150.000 mảnh khắc xương đã được phát hiện, trong đó hơn 35.000 mảnh do các nhà khảo cổ khai quật. Các nhà nghiên cứu đã xác định được hơn 4.000 ký tự và giải mã một phần ba trong số đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.