Di tích gò Đống Thây (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử với những trận đánh giải phóng thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay) đầu thế kỷ XV.
Từ cánh đồng làng Cự Chính - Nhân Mục…
Khu vực gò Đống Thây ngày nay, xưa thuộc cánh đồng làng Cự Chính - Nhân Mục, là một vùng sình lầy, rậm rạp rộng lớn ven sông Tô Lịch. Qua hàng ngàn năm, miền đất này được nhân dân cần cù khai khẩn đất thành đồng ruộng, xóm làng và có tên Nôm “Kẻ Mọc” gồm 12 làng, sau này còn có tên chữ là Nhân Mục. Con đường chính chạy qua làng chính là đường Thượng đạo để vào Kinh đô Thăng Long - con đường Lai Kinh chạy qua các làng Mọc và cầu Nhân Mục để vào thành Thăng Long…
Đầu thế kỷ XV, quân Minh xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại. Quốc gia Đại Việt lại một lần nữa rơi vào ách đô hộ của ngoại bang. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại vùng rừng núi Lam Sơn (Thanh Hóa), tập hợp được sức mạnh của toàn dân anh dũng chống lại quân xâm lược trải ngót 10 năm gian khổ “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Trong những trận đánh nhằm bao vây, giải phóng thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay) thì hai trận mở màn thắng lợi tại cầu Nhân Mục (cuối năm 1426) đã tiêu diệt được lực lượng lớn quân Minh đóng tại đây.
Sự kiện này đã được sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: “Hôm ấy (20-9 Bính Ngọ 1426) Lê Triện đánh nhau với quân Minh ở Nhân Mục, chém hơn một ngàn thủ cấp giặc, bắt được tên Đô ty nhà Minh là Vi Lượng (Viên Lượng)”; “Ngày mồng 6 (tháng Mười Bính Ngọ - 1426), Vương Thông nhà Minh đem các quân mới, cũ gồm 10 vạn tên, chia làm ba đường đánh vào quân ta. Vương Thông từ Khâu Ôn tới qua cầu Tây Dương (Cầu Giấy ngày nay), đóng quân ở bến Cổ Sở… Phương Chính từ cầu Yên Quyết (Cầu Cót ngày nay) đóng quân ở Cầu Sa Đôi, Sơn Thọ; Mã Kỳ tiến từ cầu Nhân Mục đóng quân ở cầu Thanh Oai. Quân giặc dàn doanh trại liền nhau đến vài mươi dặm, cờ xí rợp đồng, tự cho là đánh một trận là bắt được hết quân ta. Bọn Lê Triện, Lê Bí mai phục binh tướng ở đồng Cổ Lãm (Xốm ngày nay) cho du binh nhử đánh vào doanh trại quân Thọ, Kỳ rồi giả vờ thua chạy. Quân Minh đuổi theo, phi qua bờ cầu Tam La (Ba La ngày nay), chỗ ấy ruộng nước bùn lầy, quân mai phục của ta nổi dậy, đánh tạt ngang vào bọn giặc. Quân giặc sa lầy, ta chém hơn một nghìn thủ cấp, đuổi đến đầu cầu Nhân Mục. Xác giặc phơi ngổn ngang đến vài mươi dặm, ta bắt sống hơn 500 tên”.
Sau hai trận đánh oanh liệt năm 1426 kể trên, nhân dân địa phương đã lưu truyền đến ngày nay là “Gò Thất Tinh”, “Khu mả Thất Tinh” và dần trở thành cái tên thông dụng như ngày nay: “Gò Đống Thây” - ý nói thây giặc chất nhiều thành đống, thành gò.
Cũng từ những giá trị đặc biệt của một địa danh lịch sử oai hùng, nên di tích gò Đống Thây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trước đây là Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử tại Quyết định số 993-QĐ ngày 28-9-1990.
Đến di tích cần bảo tồn và phát huy…
Với những giá trị đặc biệt kể trên, cùng với việc di tích gò Đống Thây đã được xếp hạng cấp quốc gia, thì việc lập dự án tu bổ tôn tạo di tích để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích là việc làm cấp thiết.
Hiện nay, sau khi được UBND thành phố Hà Nội giao làm chủ đầu tư, UBND quận Thanh Xuân đã triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây thực hiện theo Luật Di sản văn hóa, các văn bản chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của UBND thành phố Hà Nội và các quy định pháp luật khác có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch các quy trình và trình tự pháp lý của dự án.
Để bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích khu gò Đống Thây trở thành “Công viên văn hóa lịch sử”, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho nhân dân, ngày 25-10-2018, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Quyết định số 3703/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân với quy mô: Tu bổ Gò số 1 và Gò số 3; xây dựng mới miếu thờ, bổ sung bia và biển tại Gò số 2; xây dựng mới các hạng mục công trình nhà quản lý + trưng bày (5 gian), 4 gò mô phỏng.
Bên cạnh đó cũng xây dựng các hạng mục phụ trợ: Cổng chính, cổng phụ, khu để xe, sân lễ, sân khấu, phù điêu, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh, chòi nghỉ, tường rào, đường dạo, cây xanh, thảm cỏ, nhà bảo quản (phục vụ công tác bảo quản hiện vật trong quá trình hạ giải Phương Đình), hệ thống phòng cháy, chống mối, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thoát nước ngoài nhà, cấp nước, bể nước…
Dự kiến, phân kỳ thực hiện dự án làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, thực hiện tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình trong phạm vi diện tích khoảng 8.785m2, trong đó bao gồm: Tu bổ Gò số 1 và Gò số 3, xây dựng mới miếu thờ, bổ sung bia và biển tại Gò số 2, xây dựng 1 cổng chính, 1 cổng phụ, 2 nhà bảo vệ, nhà trưng bày, quản lý; sân khấu trung tâm, phù điêu, sân lễ, khu đỗ xe, nhà vệ sinh; xây dựng hệ thống hệ thống tường rào, đường dạo, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, thảm cỏ của giai đoạn 1...
Giai đoạn 2, thực hiện phần còn lại của dự án trong phạm vi diện tích khoảng 6.551m2. Bao gồm: 1 cổng phụ, 1 nhà bảo vệ, 2 chòi nghỉ, sân gò mô phỏng, 4 gò mô phỏng, xây dựng hệ thống hệ thống tường rào, đường dạo và hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, thảm cỏ của giai đoạn 2...
Di tích gò Đống Thây có ý nghĩa to lớn về mặt giá trị lịch sử, sau tu bổ tôn tạo sẽ có không gian rộng và cây xanh phủ mát. Đây sẽ là một di tích, một công viên có ý nghĩa lịch sử ở phía Tây Hà Nội, là nơi giáo dục lòng yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn và giữ gìn bản sắc dân tộc cho các thế hệ mai sau. Di tích có vai trò quan trọng trong hệ thống di sản lịch sử của quận Thanh Xuân nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.
Bên cạnh đó, do nằm ở vị trí trung tâm, gần đường Vành đai 3, nên di tích có tiềm năng to lớn về du lịch, tham quan, nghiên cứu cho đông đảo người dân trong nước và quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.