(HNM) - Trong số 1.579 chung cư cũ, xuống cấp trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng cách đây vài chục năm, hiện có 6 công trình thuộc cấp độ D ở quận Đống Đa và Ba Đình, được xác định là công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, phải sửa chữa lớn, ưu tiên làm ngay.
Trước nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng tại những chung cư này, trong các năm 2013 và 2016, UBND thành phố đã ban hành các quyết định di dời khẩn cấp để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của cư dân.
Vậy nhưng, bất chấp những biển cảnh báo nguy hiểm được gắn ở đây cũng như được chính quyền địa phương vận động di dời, nhiều người dân tại các khu nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào vẫn cố bám trụ để sinh sống. Thậm chí, không ít người còn cho rằng, khu chung cư được coi là nguy hiểm này chưa hề xảy ra bất kỳ vấn đề nào liên quan đến lún nứt nghiêm trọng, việc gắn biển cảnh báo là không chính xác...
Nghịch lý trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có những bất cập về cơ chế, chính sách, đặc biệt là về tài chính. Thực tế cho thấy, xây dựng lại những chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm cần nguồn vốn lớn, nhưng ngân sách thì hạn chế nên phải huy động nguồn lực xã hội, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và các quy định hiện hành, đã quy định rõ việc hạn chế dân số cơ học và khống chế chiều cao công trình khi cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm, khiến công tác kêu gọi đầu tư gặp khó khăn. Bên cạnh đó, theo quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện xây dựng mới những chung cư thuộc dạng này phải được 100% chủ sở hữu thống nhất thông qua. Trong trường hợp chỉ cần một hộ dân không đồng ý là dự án bị đình trệ, thậm chí dừng triển khai.
Cùng với những bất cập trên, hiện nhiều người dân vẫn chưa chịu di dời khỏi các chung cư thuộc dạng nguy hiểm vì băn khoăn, lo lắng về năng lực của chủ đầu tư có đáp ứng không? Dự án thực hiện trong bao lâu? Nơi tạm cư có bảo đảm không? Việc đền bù thế nào? Sau này, người dân được bố trí về nơi ở mới như thế nào?...
Rõ ràng, muốn tháo gỡ những “nút thắt” trên đòi hỏi phải có sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Trước tiên, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút được các nhà đầu tư tham gia cải tạo, xây dựng các chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm. Các cấp, ngành chức năng cần tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, như ưu tiên về lãi suất cho vay vốn để phát triển dự án. Trong trường hợp cần thiết có thể xây dựng các tiêu chí đặc biệt, cơ chế rõ ràng, cụ thể cho mỗi nhà đầu tư khi họ muốn tham gia cải tạo các khu chung cư cũ.
Về phía chính quyền địa phương, cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm rình rập từ các khu chung cư cũ xuống cấp mà họ đang sinh sống; cũng như những chính sách tái định cư. Trong trường hợp cấp thiết, để bảo đảm an toàn tính mạng người dân, cần có biện pháp cưỡng chế để đưa những hộ dân ra khỏi nơi ở nguy hiểm...
Để người dân đồng lòng hưởng ứng, ủng hộ, cần phải có sự giám sát một cách minh bạch và công khai của cơ quan chức năng về năng lực của chủ đầu tư, các giai đoạn của dự án, các khoản phí đầu tư, bồi thường liên quan đến việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm. Đặc biệt, khi thực hiện dự án phải bố trí nơi tái định cư bảo đảm đầy đủ các điều kiện, để người dân yên tâm sinh sống, làm việc ổn định...
Việc người dân sinh sống trong các chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về tính mạng và tài sản. Do vậy, di dời người dân khỏi các tòa nhà này là việc làm cấp bách, rất cần chính quyền, người dân, doanh nghiệp ưu tiên làm ngay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.