Dù nhiều nút thắt đã được cởi gỡ nhưng nhiệm vụ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến thời điểm này vẫn chưa có chuyển biến rõ nét. Trước “bài toán” khó này, thành phố đang đặt ra quyết tâm cao với những giải pháp đột phá.
Lắng nghe nguyện vọng người dân
Trong cuộc đối thoại được tổ chức vào đầu tháng 3-2024 về phương án cải tạo 5 nhà chung cư cũ trên địa bàn phường Thành Công, UBND quận Ba Đình một lần nữa tiếp nhận nhiều tâm tư của người dân, đặc biệt từ những cư dân chung cư G6A đã tròn 6 năm chuyển đến nơi tạm cư, luôn mong ngóng được quay về chốn cũ. Bà Đỗ Kim Vinh (số nhà 104, chung cư G6A) cho biết, cách đây 7 năm, trong nhiều cuộc họp giữa quận, phường với người dân, các cấp lãnh đạo khẳng định, cư dân chung cư G6A sẽ được tái định cư tại chỗ. Hiện tổng mặt bằng phối cảnh tòa nhà đã có, bà rất mừng vì lời hứa của các cấp lãnh đạo đã dần thành hiện thực.
Nếu như bà Đỗ Kim Vinh chỉ đưa ra 2 nguyện vọng là bảo đảm chất lượng tòa nhà tái định cư và đền bù hệ số K thỏa đáng thì ông Nguyễn Xuân Tuy, cư dân đơn nguyên 2 chung cư G6A bày tỏ: "Nhiều nhà tái định cư có chất lượng chưa bảo đảm. Sau khi chủ đầu tư bàn giao cho các hộ dân thì trách nhiệm không còn nữa. Nhà xuống cấp, lúc đấy hộ dân tự lo nên chúng tôi kiến nghị với cả 3 cụm tòa nhà xây dựng mới đều bố trí xen kẽ công năng thương mại và tái định cư để bảo đảm chất lượng”.
Hầu hết người dân sinh sống tại các chung cư cũ đều đồng tình với chủ trương của thành phố Hà Nội về cải tạo lại chung cư cũ; đồng thời bày tỏ mong muốn khi cải tạo chung cư cũ cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người dân. Bà Nguyễn Thị Yến (khu tập thể C2 Kim Liên, phường Kim Liên, quận Đống Đa) kiến nghị, chủ đầu tư cần căn cứ vào số nhân khẩu sống trong căn hộ để quy ra diện tích nhà phù hợp sau khi cải tạo. Trong trường hợp người dân muốn mua thêm thì được xem xét giá ưu đãi...
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Sơn (khu tập thể Nguyễn Công Trứ, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, thực tế rất nhiều dự án nhà tái định cư không chất lượng bằng tòa nhà thương mại. Được bố trí tái định cư tại các tòa nhà thương mại là cách tốt nhất để cam kết về chất lượng công trình...
Hóa giải các thách thức
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 1.500 chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng, không còn đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Cuối năm 2021, UBND thành phố đã ban hành Ðề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, với các kế hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể. Tuy nhiên, các công việc liên quan đến cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố triển khai còn rất chậm.
Năm 2023, Sở Xây dựng đã rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư của 11 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, song mới chỉ có 2 dự án hoàn thành và đưa vào vận hành (trong đó có dự án cải tạo chung cư cũ L1, L2 số 93 phố Láng Hạ, quận Đống Đa). Tính đến hết năm 2023, thành phố mới hoàn thành cải tạo, xây dựng lại được 19 khu tập thể, nhà chung cư cũ, bằng 1,14% tổng khối lượng công việc.
Để tạo đột phá trong cải tạo chung cư cũ, Sở Xây dựng Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Xây dựng đã tổ chức 5 cuộc họp và có các văn bản đôn đốc, hướng dẫn các quận, huyện nơi có nhà chung cư, tập trung đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ đã lựa chọn trong giai đoạn 2021-2025.
Ngày 16-4 vừa qua, thị sát nhà chung cư A, khu chung cư cũ Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) và làm việc với các đơn vị liên quan, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đưa ra giải pháp, đó là chọn 3 khu chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình ưu tiên triển khai đợt 1 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước đột phá trong triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể các cơ quan, đơn vị, địa phương, bảo đảm rõ cá nhân phụ trách, rõ tiến độ từng ngày theo các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Quy hoạch chi tiết, lựa chọn nhà đầu tư, họp bàn lấy ý kiến nhân dân, xác định hệ số K... hướng đến mục tiêu chọn được nhà đầu tư vào cuối năm 2024 để năm 2025, khởi công cải tạo, xây dựng lại 1-2 khu chung cư cũ.
Liên quan đến cải tạo chung cư cũ, các chuyên gia nhận định, bước đột phá trước hết phải từ việc lập quy hoạch chi tiết từng khu, cụm nhà chung cư. Quy hoạch phải giải quyết các khó khăn, vướng mắc và bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước. Bên cạnh các giải pháp đột phá về chuyên môn, người đứng đầu các cấp, ngành liên quan đến nhiệm vụ này cũng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, có như vậy mới giải được “bài toán” khó lâu nay trong cải tạo chung cư cũ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh:
Bảo đảm hệ số K chính xác, hiệu quả
UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu, tham mưu thành phố quy định về hệ số K (hệ số khung bồi thường) khi cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố, làm căn cứ để các quận, huyện, nhà đầu tư chủ động thỏa thuận, thống nhất với các hộ dân... Mới đây, tại phiên họp thường kỳ tháng 2-2024, UBND thành phố đã xem xét việc ủy quyền phê duyệt hệ số K.
Trên thực tế, UBND các quận, huyện là đơn vị nắm được chính xác vị trí dự án, quy mô dân số và toàn bộ quy hoạch chung cư cũ tại địa bàn. Do đó, để tính hệ số K sát nhất, bảo đảm tiêu chí hiệu quả cho chủ đầu tư, quyền lợi cho người dân và giữ gìn sự khang trang đô thị, việc giao cho UBND cấp quận, huyện là phù hợp... Với trách nhiệm của mình, Sở Xây dựng sẽ giám sát việc xác định hệ số K bảo đảm chính xác, hiệu quả. Với giải pháp này, hy vọng việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố sẽ được triển khai đồng bộ.
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên:
Đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt quy hoạch
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, với 4 đợt thực hiện. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận có nhà chung cư cũ theo tiến độ giai đoạn 1 nghiên cứu lập đề án quy gom tái định cư khi xây dựng lại nhà chung cư cũ; xác định phạm vi ranh giới nhà chung cư cũ, hướng dẫn, giải quyết vướng mắc trong lập quy hoạch chi tiết… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tiến độ còn khá chậm, mới chỉ có nhiệm vụ quy hoạch khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) gửi về Sở lấy ý kiến trước khi trình UBND thành phố phê duyệt.
Thực hiện yêu cầu của UBND thành phố, UBND một số quận, huyện đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ đôn đốc, hỗ trợ, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, gồm khu chung cư cũ, nhóm chung cư cũ, chung cư cũ độc lập, đơn lẻ trên địa bàn thành phố, hoàn thành chậm nhất là trong quý III-2024.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm:
Khó giải quyết đồng bộ nhiều yêu cầu
Qua lấy ý kiến, phần lớn người dân đều mong muốn diện tích tái định cư được tăng lên. Yêu cầu này đi kèm việc bảo đảm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật… Trong khi đó, tiêu chuẩn quy phạm xây dựng trong nội đô Hà Nội chưa được phê duyệt. Các định hướng lớn từ Luật Thủ đô (sửa đổi), đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong quá trình hoàn thiện, chờ được thông qua.
Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện hiệu quả việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ cũng được nêu ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ (ngày 5-5-2022) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một số định hướng lớn được đặt ra trong khu vực nội đô như không gia tăng dân số, khống chế về chiều cao công trình, bảo đảm mật độ cây xanh... Như vậy, việc bảo đảm đồng bộ các yếu tố này là bài toán khó đặt ra cho đơn vị quy hoạch, tư vấn.
Khánh An ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.