Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao phim Việt vẫn bị lấn át?

Thi Thi| 29/07/2012 07:50

(HNM) - Hội nghị bàn về thực trạng phát hành - phổ biến phim cuối tuần qua được coi là một sự kiện mà giới làm phim, phát hành, phổ biến phim chờ đợi lâu nay. Trên mặt trận quan trọng sống còn cho điện ảnh nước nhà này vẫn còn bề bộn biết bao vấn đề lớn nhỏ.



Chạnh lòng trước những con số

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam không ngần ngại bày tỏ rằng bà cảm thấy chạnh lòng khi một đơn vị phát hành, phổ biến phim liên doanh như Megastar đã khai thác được hơn 700 tỷ đồng (khoảng 35 triệu USD) doanh số bán vé/năm ngay trên thị trường nước ta. Bên cạnh đó là nỗi ngậm ngùi trước thực tế của hệ thống rạp nhà nước là: "Không có nguồn phim để chiếu, chủ yếu chỉ chiếu lại phim cũ do các công ty tư nhân và công ty liên doanh đưa về để tận thu sau khi đã phát hành ở các thành phố lớn…".

Megastar Hà Nội luôn thu hút đông đảo người dân tới xem phim. Ảnh: Trọng Hải


Theo một công bố mới đây nhất của Cục Điện ảnh thì doanh thu của Megastar vẫn giữ nguyên "phong độ" khi trong 3 tháng đầu năm nay, đơn vị này đã thu về 13 triệu USD. Nghĩa là phát hành, phổ biến phim truyện (cả phim nước ngoài và Việt Nam) trên sân nhà là vô cùng "màu mỡ", song hiệu quả khai thác của phát hành, phổ biến phim của Nhà nước lại… thua các đơn vị tư nhân, liên doanh. Điều này, theo các đại biểu là câu chuyện liên quan trực tiếp đến sự phát triển của các đơn vị trong nước, của vấn đề tái đầu tư cho điện ảnh nước nhà.

Một trong những điều kiện giúp cho phổ biến phim của đơn vị nhà nước đi lên chính là chất lượng hệ thống rạp. Hiện nay, cả nước có 93 rạp và cụm rạp với hơn 200 phòng chiếu. Trong đó, số lượng rạp thì Nhà nước chiếm ưu thế, song thiết bị hiện đại thì thua xa khối công ty cổ phần, tư nhân và liên doanh về số lượng phòng âm thanh lập thể, kỹ thuật số, các điều kiện khác… Theo ông Phạm Văn Họa, Tổng Giám đốc Fafim Việt Nam thì  năm 2012, Megastar, Lottecinema, BHD, Galaxy đã phát triển thêm các cụm rạp ở khắp các thành phố lớn trên cả nước. Công ty cổ phần Đầu tư điện ảnh Vina (Vinacinema) cũng trang bị máy chiếu kỹ thuật số HD cho 40 phòng chiếu tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác… Còn phổ biến phim nhà nước thì chỉ có Trung tâm Chiếu phim quốc gia được đầu tư thêm 1 phòng chiếu 35mm và 1 phòng chiếu 4D...

Xét cho cùng, tư nhân hay Nhà nước thì đối với người xem chất lượng là lựa chọn hàng đầu. Sự phát triển mạnh mẽ của các đơn vị tư nhân liên doanh trong hoạt động điện ảnh cũng ít nhiều tạo một không khí mới cho nghệ thuật thứ bảy ở nước ta. Tuy nhiên, đối với quản lý nhà nước và sự nghiệp phát triển lâu dài của điện ảnh dân tộc thì sự vững mạnh của phát hành và phổ biến phim khối nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng.

Đó không phải chỉ là nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến đường lối chính sách của Nhà nước, hay thực hiện các mục tiêu quốc gia về văn hóa như ta thường nói, mà rất thực tế nó là hoạt động kinh tế, có thể tạo động lực lớn cho sự đi lên của đất nước.

Nhà nước sẽ phải đầu tư

Thật khó có thể biện minh khi phim "made in Việt Nam" mỗi năm chỉ ra lò được 10 sản phẩm, đa số là của hãng phim tư nhân và một vài phim của Nhà nước. Muốn phát hành, phổ biến mà không nhiều "hàng" thì lấy đâu ra chọn lựa. Trong khi đó vì nhiều yếu tố, phim nhập khẩu vượt trội với hơn 100 phim mỗi năm. Riêng năm 2011, tỷ lệ phim sản xuất trong nước với phim nhập là 16,3%. Vì sao phải phổ biến, phát hành tốt phim "made in Việt Nam" thì có lẽ ai cũng hiểu. Đó là dấu hiệu hoạt động của nền điện ảnh nước nhà, là diện mạo văn hóa đất nước trước thế giới. Nếu so với mục tiêu đạt tỷ lệ 30% buổi chiếu phim Việt trong tổng số phim chiếu tại rạp… thì con số này đạt ở hệ thống rạp nhà nước (với 31%), tính riêng năm 2011. Cũng dễ hiểu khi tỷ lệ này ở hệ thống rạp ngoài quốc danh chưa đạt tới 15%.

Có một điều an ủi là dường như người xem phim Việt vẫn dành cho điện ảnh nước nhà một góc riêng nho nhỏ. Các chuyên gia cho biết, tỷ lệ khán giả xem phim Việt so với phim nước ngoài vẫn… trên 20%.

Cuối cùng, để số người xem và buổi chiếu phim Việt không còn là những "tỷ lệ an ủi" đã có nhiều giải pháp được đề xuất. Trong đó, có những vấn đề lớn như đề nghị Chính phủ nên cho phép ngành điện ảnh được tham gia quản lý ngành thông qua tấm vé xem phim. Kinh nghiệm ở một số nước là đánh thuế theo tỷ lệ so với giá vé để tái đầu tư cho điện ảnh. Bên cạnh đó là Nhà nước phải đầu tư, xây mới, nâng cấp các rạp chiếu bóng cũ nhưng có tính đến công nghệ số - một xu hướng đang phát triển có thể thay thế phim nhựa 35mm trong nay mai. Rồi thành lập Hiệp hội Phát hành - phổ biến phim, huy động sức mạnh tổng hợp không phân biệt điện ảnh nhà nước, điện ảnh tư nhân…

Tất cả những ý kiến này không phải được nêu lần đầu tiên, tuy nhiên điều đáng nói là nó được phân tích trước sự có mặt của đại diện lãnh đạo Bộ VH,TT&DL. Hơn nữa, nó cũng được nêu lên trong thời điểm Cục Điện ảnh đang tiến hành việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành làm cơ sở tiến tới phác họa rõ nét quy hoạch ngành trong thời gian cụ thể.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao phim Việt vẫn bị lấn át?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.