Văn hóa

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII: Cần lắm những điểm tựa!

Trà Giang 11/11/2023 - 12:40

Với khẩu hiệu “Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII thể hiện rõ quyết tâm xây dựng điện ảnh trở thành ngành công nghiệp quan trọng trong công nghiệp văn hóa. Để làm được điều đó thì ngoài nỗ lực tự thân, điện ảnh Việt Nam cần những điểm tựa từ các cơ quan quản lý, địa phương, và đặc biệt là từ chính khán giả trong nước.

tro-tan.jpg
“Tro tàn rực rỡ”, một trong những bộ phim được chú ý tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII.

Dấu ấn bối cảnh - sự hỗ trợ của địa phương

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII diễn ra tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) từ ngày 21 đến 25-11, trùng với sự kiện “Thành phố ngàn hoa” chào mừng kỷ niệm 130 năm thành lập. Theo Ban tổ chức, sự kiện này đem tới cơ hội thuận lợi để tỉnh Lâm Đồng giới thiệu rộng rãi hình ảnh thành phố Đà Lạt xinh đẹp, mộng mơ với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, khí hậu ôn hòa và con người Đà Lạt thân thiện, mến khách - một điểm đến lý tưởng được “kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Điều đặc biệt, Đà Lạt là thành phố xuất hiện trong rất nhiều bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam xưa và nay. Gần đây, có thể kể đến những bộ phim ăn khách như “Tháng năm rực rỡ”, “Taxi em tên gì”, “Em và Trịnh”... Tại Liên hoan phim năm nay, khán giả có dịp thưởng thức nhiều bộ phim được quay tại đây trong “Chương trình phim Việt Nam có bối cảnh tại Đà Lạt qua các thời kỳ”. Các phim truyện có cảnh quay tại Đà Lạt được Ban tổ chức lựa chọn chiếu trong Liên hoan phim tại rạp Cinestar (thành phố Đà Lạt) và rạp Cinestar (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).

Cùng với đó, bối cảnh "Thành phố ngàn hoa" cũng được giới thiệu đến các nhà làm phim thông qua triển lãm “Đà Lạt - Khơi nguồn cảm hứng điện ảnh” do Viện Phim Việt Nam thực hiện. Triển lãm gồm 3 chủ đề: “Đà Lạt - Khơi nguồn cảm hứng điện ảnh” trưng bày hình ảnh các bộ phim được quay tại Đà Lạt; “130 năm thành lập Đà Lạt - Thành phố ngàn hoa” trưng bày các bức ảnh phong cảnh thành phố Đà Lạt; chủ đề “Áp phích phim điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử” giới thiệu áp phích của các bộ phim Việt Nam qua hành trình xây dựng và phát triển.

Ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Phó Trưởng ban Tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII, cho biết: "Đà Lạt là một phim trường khổng lồ để các nhà làm phim tìm về và hy vọng sau Liên hoan phim, sẽ có những tác phẩm điện ảnh lớn hơn được quay ở Đà Lạt, chinh phục người xem trong nước và quốc tế.

Việc nỗ lực đưa dấu ấn địa phương trở nên đậm nét trong một Liên hoan phim cho thấy sự đánh giá cao của địa phương đối với tiềm năng, sức mạnh của công nghiệp điện ảnh. Điều này chắc hẳn mang đến cho các nhà làm phim sự động viên ấm áp.

Hãy cho nhà làm phim “một chỗ dựa”

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII được xem là có số lượng phim phong phú, chất lượng phim tốt, đồng đều. Có 31 phim truyện điện ảnh, 82 phim tài liệu, 23 phim khoa học, 43 phim hoạt hình tham dự 2 chương trình: Chương trình phim dự thi và Chương trình phim toàn cảnh. Riêng trong Chương trình phim dự thi có 16 phim truyện, 31 phim tài liệu, 19 phim khoa học, 25 phim hoạt hình.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá: Năm nay, thành phần dự Liên hoan phim rất phong phú, có phim của sinh viên, có phim của đạo diễn đã 85 tuổi (đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh với phim “Hoa nhài"). Đây là Liên hoan phim đầu tiên tổ chức sau đại dịch nhưng rất đa dạng, phong phú về thể loại, cho thấy các nhà làm phim Việt đang rất cố gắng. Điện ảnh Việt không chỉ đang trên đà hồi phục hoàn toàn mà còn có bước chuyển mạnh mẽ về nội dung vấn đề mà tác phẩm hướng đến.

Trên bức tranh chung ấy, có thể thấy tại liên hoan lần này những cái tên mà qua đó phản ánh nhiều vấn đề của thị trường điện ảnh Việt hiện nay. Chẳng hạn, riêng trong lĩnh vực phim truyện có sự góp mặt của cả bộ phim đã gặt hái được nhiều giải thưởng uy tín như “Tro tàn rực rỡ”, cũng có bộ phim đang nắm kỷ lục doanh thu lên tới gần 500 tỷ đồng là “Nhà bà Nữ”, có cả phim đang là tâm điểm dư luận như “Đất rừng phương Nam”...

Đây đều là những bộ phim mang tính hiện tượng, nhưng cũng cho thấy những vấn đề nổi cộm của điện ảnh như phim được đánh giá cao về mặt nghệ thuật thì thưa vắng người xem, phim đạt kỷ lục doanh thu thì gặp ý kiến trái chiều về nghệ thuật, và sự thành bại về doanh thu của một bộ phim đôi khi phụ thuộc vào khả năng “lèo lái” dư luận qua mạng xã hội...

Trước những băn khoăn này, Thứ trưởng Tạ Quang Đông bày tỏ: “Có nhiều cách nhìn, đánh giá khác nhau về một tác phẩm điện ảnh, mỗi người có cảm nhận trên nhiều góc độ, khía cạnh với cảm xúc khác nhau. Tôi mong muốn chúng ta cùng nhau ủng hộ phim Việt, làm sao để các nhà làm phim luôn nhìn thấy chỗ dựa tin cậy từ sự ủng hộ, cổ vũ của công chúng”.

Đó có lẽ cũng là mong muốn của các nhà làm phim nói chung. Họ đã sẵn sàng cho công nghiệp điện ảnh với số vốn đầu tư ngày càng lớn dành cho phim, đặc biệt là ở khu vực tư nhân, và họ cũng tha thiết mong muốn sự ủng hộ của công chúng, với cái nhìn rộng lượng hơn, ưu ái hơn dành cho phim Việt. Đây cũng là động lực lớn nhất giúp chúng ta xây dựng thành công công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII: Cần lắm những điểm tựa!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.