(HNM) - Văn học - nghệ thuật là một bộ phận quan trọng của văn hóa, có tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Thế nhưng thời gian qua, hiện tượng “Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng” (được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII nêu rõ) diễn ra hết sức tinh vi và phức tạp. Do đó, lành mạnh hóa lĩnh vực văn học - nghệ thuật là việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
1. Thời kỳ năm 1930-1975, văn học - nghệ thuật nước nhà dù trong điều kiện đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc nhưng có đóng góp quan trọng trong vận động cách mạng, cổ vũ đồng bào cả nước làm nên thắng lợi lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Từ khi đất nước thống nhất, đại đa số các văn nghệ sĩ phát huy trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa nước nhà, xứng đáng đại diện cho “những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng”.
Tuy nhiên gần đây, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật đang hết sức tinh vi và ngày càng phức tạp. Nguyên nhân của tình hình này, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở phải cảnh giác, là do "chủ nghĩa cá nhân" và được biểu hiện ở nhiều góc độ.
Nổi lên trong đó là vấn đề tiếp tục khơi dậy, truyền bá quan niệm mơ hồ về quan hệ giữa văn học - nghệ thuật với chính trị thông qua việc tuyệt đối hóa tính độc lập tương đối của văn học - nghệ thuật để tách lĩnh vực này khỏi chính trị.
Cụ thể là, một số người biến chất hoạt động trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật đã lớn tiếng kêu gọi và đòi văn học - nghệ thuật không phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng ngoài chế độ chính trị. Vì thế, họ ra sức truyền bá các tác phẩm văn học phủ nhận thành quả của cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ đề cao, cổ xúy một số tác phẩm của những văn nghệ sĩ cực đoan, quá khích. Điển hình trong đó có nhóm tự xưng “Văn đoàn Việt Nam độc lập”.
Đáng buồn hơn, tham gia vào đó có không ít nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong nền văn chương cách mạng, nhưng đã “mờ mắt”, phủ nhận chính những đứa con tinh thần đã làm nên tên tuổi mình trong quá khứ.
Một số khác đề cao và tuyệt đối hóa cái tôi cá nhân văn nghệ sĩ, để kêu gọi “tự do sáng tác”, mà không thấy cái tôi đó với vai trò, trách nhiệm của một công dân.
Biểu hiện rõ nhất là lợi dụng tự do dân chủ, một số cá nhân thông qua các “tác phẩm văn học” đã có cái nhìn phiến diện, “thấy cây mà không thấy rừng” trong một số vấn đề như: Cải cách ruộng đất (1953-1956); cải tạo tư sản ở miền Nam sau năm 1975; đi sâu khai thác đời tư một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước; chiến tranh bảo vệ biên giới và biển, đảo…
Tất nhiên, mục đích sâu xa trong đó chính là hướng tới phủ nhận, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn học - nghệ thuật.
Ngoài ra, lợi dụng việc mở rộng giao lưu, tiếp nhận văn học - nghệ thuật thế giới, một số người đã du nhập quan điểm trái ngược với quan điểm chính thống của xã hội về vai trò và sự phát triển của văn học - nghệ thuật.
Ví như gần đây có xu hướng cổ vũ cho lối sáng tạo “hậu hiện đại” trong khi thực chất đây là một khái niệm chưa hoàn chỉnh, với đại ý là hướng sáng tạo đi theo lối phi truyền thống, hình thành tác phẩm theo lối cắt dán, ngôn từ nghệ thuật quay về sự thô tục…
Đây là cơ hội để những người có động cơ xấu lợi dụng, xuyên tạc, phủ nhận các giá trị văn học - nghệ thuật ra đời trong thời kỳ cách mạng hoặc sử dụng lý thuyết nước ngoài để biện hộ, cổ vũ cho loại sản phẩm không phù hợp...
Sự nguy hiểm của những "trào lưu" này là thông qua văn học - nghệ thuật tác động đến tư tưởng, quan điểm, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân; dần thúc đẩy quá trình suy thoái về tư tưởng chính trị, dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
2. Cuộc đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật luôn diễn ra căng thẳng, âm thầm không thua kém các lĩnh vực khác. Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TƯ “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Trong đó xác định, việc cần làm là tiếp tục củng cố và đề cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nền văn học - nghệ thuật nước nhà; xem đây là nguyên lý không cần tranh luận thêm.
Một trong những biện pháp quan trọng cần làm thường xuyên, liên tục để thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TƯ là tăng cường bồi dưỡng, giáo dục ý thức chính trị cho các văn nghệ sĩ.
Trên tinh thần đó, Liên hiệp Các Hội văn học - nghệ thuật trung ương và địa phương cần tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong giới về kết quả thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ, ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Chỉ thị 34-CT/TƯ ngày 17-4-2009 của Ban Bí thư (khóa X) về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới; Thông báo kết luận 213-TB/TƯ ngày 4-1-2009 của Ban Bí thư (khóa X) về “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật”... để qua đó mỗi văn nghệ sĩ nâng cao ý thức chính trị, sáng tác, quảng bá những tác phẩm hay, có ý nghĩa, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Mặt khác, cần tiếp tục tạo điều kiện để văn nghệ sĩ phát huy vai trò sáng tạo, đi sâu vào đời sống nhân dân để tìm tòi, phát triển tài năng. Có cơ chế khuyến khích, động viên, tôn vinh văn nghệ sĩ, tôn vinh các tác phẩm có giá trị cao, thông qua các cuộc thi, giải thưởng…
Nhà nước bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ cống hiến, nhưng văn nghệ sĩ phải thấy rõ trách nhiệm xã hội của mình để sáng tạo ra những tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ; phản ánh chân thực, sinh động đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.
Đồng thời, văn nghệ sĩ tích cực tham gia đấu tranh ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, móc nối, kích động chống phá đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng.
Mặt khác theo trào lưu chung, việc mở rộng giao lưu quốc tế phải toàn diện, bao gồm cả việc giới thiệu văn học - nghệ thuật Việt Nam ra thế giới và tiếp thu tinh hoa của nhân loại để làm phong phú thêm nền văn học - nghệ thuật nước nhà.
Tuy nhiên, việc tiếp thu phải có sự chủ động, có chọn lọc. Một mặt, tích cực vạch trần và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng văn học - nghệ thuật để chống phá Đảng, chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Mặt khác, phát hiện và đưa ra công luận những biểu hiện móc nối, liên kết giữa lực lượng trong nước và ngoài nước để sáng tác, xuất bản, quảng bá các tác phẩm có nội dung chống phá đất nước và gây tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, giá trị của những tác phẩm văn học - nghệ thuật chẳng những để làm gương cho chúng ta ngày nay mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau. Trách nhiệm đó đang đặt lên vai các văn nghệ sĩ hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.