Văn nghệ

Phát triển văn học nghệ thuật: Lớn về lượng, cao về chấtKênh thông tin văn hóa nghệ thuật không thể thiếu

Việt Nhật 09/09/2023 17:30

Một trong những giải pháp quan trọng để văn học, nghệ thuật (VHNT) có thêm “đất” phát triển là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Điều này không đơn thuần giúp giới thiệu, quảng bá các tác phẩm VHNT có chất lượng, mà còn mang ý nghĩa định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, góp phần nâng cao trình độ thưởng thức của người dân.

doc-bao.jpg
Các chuyên trang về VHNT của báo Hànộimới thường xuyên được bạn đọc Thủ đô quan tâm theo dõi.

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, những năm qua, công tác tuyên truyền của thành phố Hà Nội luôn được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng và đặc thù của địa phương, đơn vị.

Đó là hàng loạt các diễn đàn, hội thảo khoa học, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm đã được tổ chức sôi nổi và hiệu quả, như Hội thảo khoa học chuyên đề "Phát triển VHNT trong thời kỳ mới trên địa bàn Hà Nội"; Hội thảo khoa học "Nguồn lực văn hóa trong phát triển Thành phố sáng tạo"; tọa đàm quốc tế "Xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo"; tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội"; Hội thảo quốc tế "Phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững Việt Nam"...

Đó còn là các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan với hệ thống pano, áp phích, băng rôn, cờ, khẩu hiệu, banner, tuyên truyền lưu động... được tiến hành sâu rộng, tác động trực tiếp tới nhận thức của người dân. Đó là việc mở rộng không gian tuyên truyền trên internet, mạng xã hội,... bên cạnh việc tiếp tục tăng cường hệ thống truyền thanh cơ sở.

Nghệ sĩ Ưu tú Trần Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, khẳng định: “Một tác phẩm nghệ thuật dẫu có hay đến mấy nhưng không được quảng bá để công chúng tiếp cận thì mãi vẫn chỉ giống như một nàng tiên đang ngủ trong rừng. Ý thức sâu sắc vấn đề này, nhà hát đã và đang tìm mọi cách có thể để làm tốt công tác truyền thông, tận dụng triệt để tác dụng của công nghệ số nhằm lan tỏa hình ảnh, thông điệp, giá trị của nghệ thuật múa rối truyền thống Việt Nam tới bạn bè quốc tế và khán giả trong nước. Đã có rất nhiều du khách quốc tế đặt mục tiêu khi đi du lịch ở Việt Nam, nhất thiết phải đến xem nghệ thuật ở Nhà hát Múa rối Thăng Long”.

Liên kết chặt chẽ với các địa phương, với Hội Liên hiệp VHNT thành phố và các hội chuyên ngành, các cơ quan báo chí của thành phố có chuyên trang, chuyên mục phong phú và sinh động về VHNT cũng như về đội ngũ văn nghệ sĩ.

Có thể kể đến Tạp chí Người Hà Nội - tờ báo chuyên về lĩnh vực VHNT; các chương trình “Văn hóa - Sự kiện”, “Câu chuyện văn nghệ”, “Văn học nghệ thuật” của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; chuyên mục “Văn nghệ”, “Giải trí” của Báo Kinh tế và Đô thị; chuyên mục “Tôi yêu Hà Nội”, “Nhịp sống Thủ đô” của Báo Lao động Thủ đô...

Đáng chú ý, Báo Hànộimới hằng ngày số ra từ thứ hai đến thứ bảy duy trì tuyên truyền trên trang 5 về các vấn đề văn hóa - xã hội; số báo Hànộimới ra ngày chủ nhật hằng tuần dành hai trang để tuyên truyền về lĩnh vực văn hóa, VHNT, trong đó có các chuyên mục được bạn đọc đánh giá cao như “Ngược xuôi văn nghệ”, “Đối thoại Chủ nhật”.

Ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần mang đậm chất văn hóa văn nghệ với các chuyên đề bám sát đời sống văn hóa, VHNT của thành phố và cả nước để phân tích thực trạng, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề phát triển VHNT trong thời kỳ mới, thường xuyên thông tin những gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu, các hoạt động nghệ thuật, giải trí cuối tuần, giới thiệu các tác phẩm thơ, văn xuôi, truyện ngắn mới. Báo Điện tử Hànộimới có mục “Văn hóa” và chuyên trang điện tử "Nhịp sống Hà Nội" thường xuyên cập nhật thông tin thời sự văn hóa với hình thức thể hiện đa dạng, phong phú.

Theo Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức, với vai trò là cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, trong suốt 15 năm qua Báo Hànộimới đã triển khai tốt nhiệm vụ tuyên truyền về văn hóa, văn nghệ. Mảng văn học, nghệ thuật trên các ấn phẩm của Báo Hànộimới được duy trì, phát huy, trở thành một trong những mảng tuyên truyền quan trọng của báo với hàng chục nghìn tin, bài, ảnh, loạt bài, vệt bài viết tuyên truyền về lĩnh vực VHNT.

Tuy nhiên, Tổng Biên tập Báo Hànộimới cũng chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất đối với Báo Hànộimới hiện nay là những chuyên mục có tính phê bình đang thiếu cộng tác viên có năng lực, trình độ và cách viết hay, do chuyên mục có lượng chữ ít, cần dồn nén thông tin nhưng vẫn phải tạo được giọng điệu riêng”.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức đội ngũ cộng tác viên, trong đó mời gọi, huy động sự vào cuộc của các văn nghệ sĩ, nhà phê bình, các trí thức, chuyên gia về VHNT đồng hành cùng các cơ quan báo chí sẽ tạo nên làn sóng để lên tiếng bảo vệ cái đúng, cổ vũ cái đẹp, giữ gìn và phát huy giá trị của nền văn nghệ cách mạng; đồng thời phản biện trước những hiện tượng cổ xúy, truyền bá sản phẩm văn học, nghệ thuật chạy theo thị hiếu tầm thường, tác động tiêu cực tới công chúng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển văn học nghệ thuật: Lớn về lượng, cao về chất Kênh thông tin văn hóa nghệ thuật không thể thiếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.