Công nghiệp văn hóa

Phát triển văn học nghệ thuật: Lớn về lượng, cao về chấtTìm “bà đỡ” cho văn học nghệ thuật

Vân Hạ 09/09/2023 11:26

Là “lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa”, văn học - nghệ thuật (VHNT) cũng được xác định là “một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.

Với tinh thần đó, 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thành phố Hà Nội đã tập trung xây dựng các cơ chế chính sách, đầu tư, nâng cao nhận thức các cấp nhằm tạo bầu không khí thuận lợi để VHNT không chỉ phát triển về số lượng mà còn không ngừng được nâng cao về chất lượng.

cheo-tau.jpg
Ca nhi xã Tân Hội hát chèo tàu trước lăng Văn Sơn, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Ảnh Linh Tâm.

Sôi động, tỏa rộng

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, hoạt động VHNT ở Thủ đô, cả chuyên nghiệp và không chuyên, có bước phát triển tích cực và sôi động cả về loại hình, nội dung và hình thức thể hiện.

Có thể thấy chưa bao giờ VHNT quần chúng được phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Tại nhiều xã, phường, khu dân cư, hoạt động văn nghệ quần chúng đã trở thành nếp sinh hoạt tinh thần thường xuyên của nhân dân.

Tại huyện Đông Anh, theo bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện, bầu không khí VHNT sôi nổi có được một phần nhờ huyện đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm phục vụ phát triển các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao trên địa bàn.

“Sau khi các nhà văn hóa, các tiểu công viên trên địa bàn huyện Đông Anh được xây dựng, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức thường xuyên với nhiều nội dung phong phú, sôi nổi, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia” - bà Nguyễn Thị Tám chia sẻ.

Cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống được quan tâm cũng có ý nghĩa thúc đẩy hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các địa phương.

Như nghệ thuật múa trống bồng ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì không chỉ là nét văn hóa đặc sắc riêng của hội làng Triều Khúc nữa khi từ năm 2019, Lễ hội Triều Khúc đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có Lễ hội và các điệu múa cổ, là nhiệm vụ quan trọng của Đảng ủy - UBND xã Tân Triều, thu hút sự tham gia của người dân trên địa bàn xã. Hiện nay, Câu lạc bộ (CLB) múa trống bồng của xã đã thu hút hơn 30 thanh niên tham gia, đó là chưa kể sự xuất hiện của CLB múa trống bồng dành cho học sinh của Trường Trung học cơ sở Tân Triều.

danh-bong.jpg
Câu lạc bộ múa trống bồng của xã Tân Triều đã thu hút hơn 30 thanh niên tham gia. Ảnh Hữu Nghị.

Truyền dạy cho các thanh, thiếu niên và học sinh địa phương các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian cũng là một động thái quan trọng để duy trì truyền thống và tái tạo truyền thống – một cơ chế sáng tạo quan trọng của văn hóa.

Tại huyện Đan Phượng, sau nhiều năm gián đoạn, lễ hội hát chèo tàu được khôi phục và kể từ khi CLB chèo tàu xã Tân Hội được thành lập, hơn 40 làn điệu chèo cổ đã được sưu tầm và truyền dạy cho thanh, thiếu niên trong xã. CLB đã mở được hơn 10 lớp hát chèo tàu với trên 300 học viên tham gia, tổ chức nhiều lớp ngoại khóa cho học sinh để giới thiệu làn điệu chèo tàu do các ca nhi của CLB trực tiếp biểu diễn. Đặc biệt, từ năm 2022, nghệ thuật trình diễn dân gian chèo tàu đã được chọn đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn huyện.

Có thể nói, bầu không khí sáng tạo, đổi mới cùng môi trường văn hóa ngày càng được chăm lo ngay từ cơ sở đã tạo đà cho văn nghệ dân gian, văn nghệ quần chúng phát triển sôi nổi. Đây cũng là nguồn cung cấp nhân tố sáng tạo và nguyên liệu sáng tạo dồi dào cho văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, trong sự nảy nở, sôi động và tỏa rộng đó, chúng ta vẫn mong chờ có nhiều hơn hoạt động văn nghệ được chăm chút kỹ lưỡng hơn, có nhiều thêm các tác phẩm có giá trị cao về nội dung, nghệ thuật, xứng với truyền thống nghìn năm văn hiến, với tầm vóc và vị thế của Thủ đô.

Nhận thức đúng để đầu tư mạnh

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, kết quả nổi bật nhất đó là sự chuyển biến về mặt nhận thức đối với lĩnh vực văn hóa, phát triển con người, trong đó có văn học và nghệ thuật.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu rõ: “Chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững, nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của văn hóa trong việc phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, nhận thức sâu sắc hơn vai trò của văn hóa đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Nếu như trước đây chúng ta còn có quan niệm phát triển kinh tế để có điều kiện chăm lo phát triển văn hóa thì ngày nay, văn hóa không những đảm nhận vai trò nền tảng tinh thần của xã hội, tôn vinh những giá trị nhân văn cao đẹp, góp phần làm tâm hồn mỗi con người phong phú hơn, nhân văn hơn mà chính văn hóa cũng góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách rất hiệu quả, rất nhanh chóng, và rất bền vững”.

Nhận thức là yếu tố đặc biệt quan trọng mở đường cho sự ra đời các chính sách, cơ chế đặc thù dành cho VHNT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Thủ đô. Có thể nói, trong 15 năm qua, Hà Nội đã thực hiện được nhiều đầu việc thiết thực nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23- NQ/TW, mà về bản chất chính là tạo dựng môi trường thuận lợi nhất để VHNT nảy nở.

Đó là các hoạt động từ thúc đẩy nghiên cứu, bảo tồn văn nghệ dân gian cho đến phát triển nghệ thuật quần chúng; từ đầu tư xây dựng các thiết chế, cơ sở vật chất đến xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng; từ hình thành một số cơ chế chính sách đến việc ổn định tổ chức, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ yên tâm cống hiến...

Có thể kể đến một sản phẩm nghệ thuật đặc sắc cho thấy sự nỗ lực của đội ngũ sáng tạo như chương trình biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”. Ở đây, các yếu tố nghệ thuật truyền thống và tinh hoa văn hóa được trình diễn theo phong cách hiện đại, sáng tạo, mang đến trải nghiệm đặc biệt, đáng nhớ về vùng châu thổ sông Hồng. Chương trình đã trở thành một đặc sản du lịch khác biệt của Hà Nội.

Tiếc rằng, những chương trình ấn tượng như “Tinh hoa Bắc Bộ” còn quá hiếm hoi dù Hà Nội là thành phố có nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, hội tụ đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức, nghệ nhân, có vốn di sản văn hóa phi vật thể hết sức phong phú, đặc sắc.

NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng: “Với bề dày lịch sử lâu đời, nền văn hóa truyền thống đặc sắc cùng với các loại hình nghệ thuật đa dạng, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng những chương trình văn hóa, nghệ thuật đỉnh cao”.

Mở rộng vấn đề này, có thể thấy việc tìm “bà đỡ” cho phát triển văn hóa, VHNT - một trong những vấn đề mà Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đặt ra với các đơn vị liên quan, là rất quan trọng. Muốn phát triển VHNT, muốn phát triển công nghiệp văn hóa thì cần sự hỗ trợ cả về cơ chế chính sách cũng như nguồn lực tài chính, địa điểm từ phía nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống.

Câu chuyện xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đã được Hà Nội thực hiện khá hiệu quả ở quy mô nhỏ, giúp phong trào quần chúng ở các địa phương phát triển sâu rộng. Tuy nhiên, ở cấp thành phố thì khó khăn hơn bởi không dễ thu hút được những nguồn lực đủ lớn để có thể xây dựng và thực hiện những chương trình, sự kiện thường niên mang tính quốc gia, quốc tế.

Bởi thế, để VHNT Thủ đô phát triển nhanh, bền vững thì vẫn cần tiếp tục thay đổi về nhận thức ở các cấp quản lý, cần sự quan tâm nhiều hơn tới việc xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ và dành nguồn lực đầu tư đích đáng cho lĩnh vực văn hóa, VHNT.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển văn học nghệ thuật: Lớn về lượng, cao về chất Tìm “bà đỡ” cho văn học nghệ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.