Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phố cổ - nguồn cảm hứng bất tận của văn học nghệ thuật: Để “hồn cốt” Thăng Long - Hà Nội mãi lưu truyền

Nhà văn Nguyễn Hiếu| 08/01/2023 06:30

(HNMCT) - Bên cạnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, Cột cờ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây… thì khu phố cổ Hà Nội cũng là nét đẹp đáng tự hào của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, với vị trí trung tâm, có nguồn lực di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng, nơi chứa đựng đầy đủ nhất nết ăn, nết mặc cùng “hồn cốt” kinh đô Thăng Long - Hà Nội, khu phố cổ luôn là cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo nên các tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn.

Hồn cốt Hà Nội trong tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Với riêng tôi, phố cổ Hà Nội không chỉ là một đề tài luôn gợi mở mà nó còn nhắc tôi nhớ đến những kỷ niệm khó quên.

Hồi tạm chiếm, nhà tôi ở phố Duy Tân, tức phố Huế ngày nay. Một tối thứ bảy, tôi được mẹ dẫn lên xem kịch của đoàn Chuông Vàng ở phố Hàng Bạc. Tối đó, tôi được xem vở “Hận tương giao” cảm tác từ câu chuyện cổ tích “Trương Chi”. Cho đến bây giờ, hơn bảy thập niên trôi qua, tôi vẫn nhớ như in buổi tối mùa đông se lạnh ấy, giữa những mái nhà xô nghiêng như trong tranh của Bùi Xuân Phái, lờ mờ ánh điện nhập nhòa hình chiếc chén của nhà tể tướng cách điệu trên phông diễn tan vỡ vì nước mắt của nàng Mỵ Châu khi thấy bóng hình chàng đánh cá có giọng hát mê đắm lòng người. 

Khu phố cổ đầy hoài niệm mang hồn cốt Thăng Long trong tuổi thơ tôi là vậy. Nhưng tại sao khu phố với những "mái ngói thâm nâu" cổ xưa, với những con đường chật hẹp lại có sức mạnh níu giữ tâm hồn của bất kỳ ai đặt chân đến mảnh đất này đến vậy?

Có thể, khu phố cổ Hà Nội không chỉ là dấu tích đặc trưng cho sự phát triển của Hà Nội qua các thời kỳ, mà nó còn in dấu tích danh lam và lịch sử. Ngoài chợ Đồng Xuân từng được lấy làm biểu tượng của Hà Nội giống như chợ Đông Ba của Huế, chợ Bến Thành của thành phố Hồ Chí Minh thì khu phố cổ còn có Hồ Gươm, một thắng cảnh và một chứng tích lịch sử nổi tiếng.

Đền Bạch Mã ở 76 - 78 Hàng Buồm, thờ thần Long Đỗ - vị thần gốc của Hà Nội, được coi là một trong "Thăng Long tứ trấn" (bốn ngôi đền thiêng của Thăng Long xưa) và ngựa trắng gắn liền với sự tích dời đô của vua Lý Thái Tổ.

Ô Quan Chưởng (trước còn có tên ô Đông Hà) mang sắc thái đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn. Tại đây còn ghi rõ chiến công oai hùng của vị Chưởng cơ cùng binh lính của ông chống Pháp...

Và, nói đến những trung tâm di tích của khu phố cổ thì không thể không nhắc đến khu Hàng Bạc, từng là trung tâm biểu diễn của các đoàn cải lương lừng danh một thời với các diễn viên nổi tiếng như Kim Xuân, Tiêu Lang, Mộng Dần, Tuấn Sửu… (Đoàn Chuông Vàng), Lệ Thanh, Tùng Lâm (Đoàn Kim Phụng) …

Bên cạnh đó, nói đến phố cổ Hà Nội là nói đến trung tâm buôn bán và sản xuất một thời. Đó là nơi tập trung các phố có chữ đầu là "Hàng". Hiện nay, sản phẩm cũng như hoạt động sản xuất của không ít phố bị mai một, nhưng sức sống của nghề vẫn bền bỉ tồn tại.

Người phố Hàng Mã, Hàng Thiếc, Lãn Ông… vẫn làm nghề truyền thống. Các phố khác kinh doanh tập trung một số mặt hàng đặc trưng như phố Hàng Quạt bán đồ thờ, phố Hàng Buồm kinh doanh bánh kẹo, phố Mã Mây cung cấp dịch vụ phục vụ du lịch…

Một điều đáng nói là khu phố cổ, một chứng tích về hồn cốt kinh thành Thăng Long, đáng ra phải được mô tả, phản ánh sâu sắc trong văn học, nghệ thuật của Hà Nội nói riêng và của nước ta nói chung, nhưng đáng buồn là hình ảnh, cuộc sống và con người tại khu phố cổ trong các loại hình văn nghệ còn quá ít, chỉ dừng ở mức chấm phá. Nếu cố nhấn mạnh đến hình tượng nghệ thuật gắn liền với khu phố cổ, có lẽ rõ nét nhất là chùm tranh phố của Bùi Xuân Phái. Trừ kiến trúc, còn các loại hình văn nghệ khác như có như không, lác đác hiện ra trong một vài chi tiết ở đôi bài ký của nhà văn Nguyễn Tuân và một số người khác. Đó quả là một thiếu sót lớn của văn nghệ sĩ Hà Nội.

Riêng tôi, phải chăng vì có kỷ niệm với khu phố cổ từ hồi ấu thơ nên trong tôi mỗi khi nhắc đến nơi này thường nghĩ đến một biểu tượng về Hà Nội xưa, nhỏ bé nhưng đầm ấm. Tôi đã có hai kịch bản viết về Khu phố cổ là “Ngôi nhà ở phố Hàng Bạc" và “Chuyện của người Hà Nội chúng tôi” (Giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học - nghệ thuật nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội).

Trong cuốn tiểu thuyết “Tình nhân” của tôi (NXB Hà Nội in 2009) viết về cuộc sống, xã hội Hà Nội từ những năm 1950 đến những năm gần đây, từng được các nhà phê bình đánh giá “là phòng trưng bày về tính cách con người Hà Nội”, cũng có nhiều trang viết về phố cổ. Phố cổ cũng trở đi trở lại nhiều lần trong những bài thơ tôi viết về Hà Nội, một Hà Nội hào hoa, lịch lãm của riêng tôi. Nhưng thiết nghĩ, cá nhân một tác giả cho dù cố gắng viết bao nhiêu cũng không đáp ứng được yêu cầu hiển thị tầm vóc của khu phố cổ cũng như ước vọng của người đọc, người xem cả nước.

Hồn cốt của một Hà Nội thanh lịch, duyên dáng nơi phố cổ sẽ mãi mãi được lưu trong tâm trí người Hà Nội hôm nay và mai sau. Muốn được như vậy, với tư cách là một nhà văn Hà Nội, tôi mong các cơ quan chức năng cùng Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội sẽ có những đợt phát động viết về phố cổ.

Mỗi nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, dù là người Hà Nội hay từ vùng quê khác tới chọn Hà Nội là đất sống của mình, hãy tìm hiểu nhiều hơn, có nhiều hơn những nghiên cứu, khảo cứu về khu vực này để thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, những giá trị di sản vật thể và phi vật thể của Khu phố cổ được bảo tồn và phát huy hơn nữa trong đời sống hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phố cổ - nguồn cảm hứng bất tận của văn học nghệ thuật: Để “hồn cốt” Thăng Long - Hà Nội mãi lưu truyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.