Cấp ủy cấp trên trực tiếp có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thẩm định kết quả kiểm điểm của cấp dưới theo phân cấp quản lý cán bộ; kịp thời gợi ý kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan; yêu cầu cấp dưới kiểm điểm lại khi chưa bảo đảm nội dung yêu cầu theo quy định
1. “Gợi ý kiểm điểm sâu” là một nội dung được cấp ủy các cấp ở Hà Nội thực hiện trong nhiều năm qua, nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 124-QĐ/TƯ (ngày 4-10-2023) về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị (trong đó nêu rõ: “Cấp ủy cấp trên trực tiếp có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thẩm định kết quả kiểm điểm của cấp dưới theo phân cấp quản lý cán bộ; kịp thời gợi ý kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan; yêu cầu cấp dưới kiểm điểm lại khi chưa bảo đảm nội dung yêu cầu theo quy định”), việc này càng được thực hiện hiệu quả hơn. “Kiểm điểm sâu” giúp cấp ủy nhận diện được đầy đủ, thực chất hơn những thiếu sót, khuyết điểm của tập thể, cá nhân, từ đó đề ra và thực hiện cho được những giải pháp khắc phục, sửa chữa.
Còn nhớ, năm 2022, sau khi đánh giá tình hình, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định gợi ý kiểm điểm đối với tập thể lãnh đạo 29 đơn vị và các cán bộ có liên quan (trong đó, khối quận, huyện có 5 tập thể và 12 cá nhân; khối các đảng bộ trực thuộc, sở, ban, ngành có 24 tập thể và 125 cá nhân). Để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở, Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy cũng gợi ý kiểm điểm sâu đối với 60 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý liên quan.
Trong đợt này, Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ được gợi ý kiểm điểm về việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra cũng như công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng. Qua kiểm điểm, trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Quận ủy, của từng Ủy viên Ban Thường vụ được nhận diện rõ. Trên cơ sở đó, tập thể và từng cá nhân Ủy viên Ban Thường vụ lựa chọn việc khó nhất trong nội dung công việc thuộc trách nhiệm của mình để tập trung chỉ đạo thực hiện trong năm 2023. Nội dung đăng ký việc khó được nhân dân giám sát thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của quận. Thật đáng mừng, khi mỗi cán bộ lãnh đạo vượt khó bằng chính hành động nói đi đôi với làm đã được nhân dân ghi nhận.
Cụ thể, trong năm 2023, cá nhân đồng chí Bí thư Quận ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết tố cáo trên địa bàn quận. Còn đồng chí Chủ tịch UBND quận giải quyết xong việc khó - di dời các phương tiện thủy trên hồ Tây và xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị hồ Tây khi thành phố giao cho quận quản lý. Chính gợi ý kiểm điểm sâu của Ban Thường vụ Thành ủy đã đặt ra yêu cầu, tạo quyết tâm chính trị để tập thể và cán bộ lãnh đạo quận dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.
Theo ghi nhận của các tổ công tác, hầu hết các đơn vị được gợi ý kiểm điểm sâu đã nghiêm túc xây dựng báo cáo kiểm điểm, báo cáo giải trình, nêu rõ các hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, trách nhiệm của tập thể, của cá nhân phụ trách từng lĩnh vực, từ đó xây dựng các giải pháp cụ thể, khả thi để khắc phục. Các đơn vị đã rút ra những bài học kinh nghiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ và đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực; những hạn chế, yếu kém cơ bản được khắc phục.
Đây là cơ sở để Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục ban hành Kế hoạch số 195-KH/TU ngày 24-11-2023 về thực hiện kiểm điểm sâu đối với tập thể và cá nhân lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý năm 2023; thành lập các đoàn công tác dự, chỉ đạo kiểm điểm tại 11 cơ quan, đơn vị được Ban Thường vụ Thành ủy gợi ý kiểm điểm năm 2023.
2. Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2020-2025 (ngày 3-7-2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã có chỉ đạo rất sâu sắc về công tác cán bộ: “... Chúng ta phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần “7 dám”: Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.
Từ tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và các quy định của Đảng, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa bằng việc ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 “về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”. Trong đó, yêu cầu đặt ra là cá nhân các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, đi đầu về tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, nói đi đôi với làm, chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức; dám đối diện và vượt qua khó khăn, thử thách vì công việc chung.
Với yêu cầu đó, từ khi Chỉ thị số 24-CT/TU được ban hành đến nay, thành phố đã tập trung kiểm tra, đôn đốc, kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị trong thực hiện kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc; rà soát, chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với 4 sở và 1 huyện do chậm tham gia ý kiến đối với hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trên địa bàn thành phố. UBND thành phố phê bình 1 đồng chí lãnh đạo cấp sở có biểu hiện vi phạm chỉ thị. Việc triển khai chỉ thị đã tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị.
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, việc gặp phải khó khăn, thử thách là điều tất yếu. Và khi tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý nào vượt qua được khó khăn, thử thách và có những hành động vì lợi ích chung, thì đó chính là thước đo năng lực, bản lĩnh và trình độ của tập thể cũng như cá nhân cán bộ lãnh đạo quản lý ấy.
Kết quả thực tiễn thời gian qua đã chỉ ra rằng, tác dụng của việc gợi ý "kiểm điểm sâu" trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân không chỉ giúp cho mỗi tập thể, cá nhân lãnh đạo đơn vị tự nhìn nhận, đánh giá khuyết điểm một cách sâu sắc để có sự điều chỉnh hợp lý, nâng cao ý thức, trách nhiệm trước công việc. Sâu xa hơn, sự chuyển biến đó còn giúp người đứng đầu giữ được chữ tín; cơ quan, đơn vị xây dựng được thương hiệu mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cả hệ thống chính trị Thủ đô để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.