Công nghiệp văn hóa

Phát triển văn học nghệ thuật: Lớn về lượng, cao về chấtSôi nổi đời sống văn nghệ

Hạ Yến ghi 09/09/2023 14:28

Để tiếp tục phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ mới, những năm vừa qua, việc tạo môi trường để văn nghệ quần chúng phát triển sôi động song hành cùng xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp luôn được quan tâm. Nhiều ý kiến mà Hànộimới Cuối tuần ghi lại cho thấy điều này.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội:
Sự đa dạng về nội dung và phương thức thể hiện là một dấu hiệu tốt

quoc-chiem.jpg

Nhìn một cách khái quát, bức tranh văn học, nghệ thuật, bao gồm cả nghiên cứu lý luận, phê bình, sáng tác, chúng ta dễ dàng nhận thấy thực trạng văn học, nghệ thuật khá sôi động, phong phú và đa dạng, nhưng lại khá ngổn ngang, bề bộn, có cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực.

Trên phương diện sáng tác, nhiều loại hình văn học, nghệ thuật mới ra đời, kéo theo những loại hình văn học, nghệ thuật, phương thức hoạt động mới, những mô hình tổ chức quản lý mới, thiết chế nghệ thuật mới, từng bước hình thành hệ giá trị văn học mới... và nảy nở xu hướng mới.

Nhưng, cho dù các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật có đa dạng đến mấy thì xu hướng văn học, nghệ thuật lành mạnh, phản ánh chân thật, sâu sắc lịch sử đất nước và con người Việt Nam vẫn cần giữ vai trò chủ đạo.

Nhân dân luôn chờ đợi các tác phẩm lớn, các giá trị văn học chân chính, các xu hướng nghệ thuật lành mạnh, phù hợp, đồng thời không chấp nhận các xu hướng nghệ thuật lai căng thấp kém, phản tiến bộ, đi ngược lại lợi ích chính đáng của nghệ thuật và mỹ cảm của nhân dân...

Dòng mạch chính của đời sống văn học, nghệ thuật trong những năm vừa qua là chủ nghĩa yêu nước, sự gắn bó với dân tộc, nhân dân, phản ánh chân thật cuộc sống lao động, đấu tranh và xây dựng của nhân dân ta.

Bên cạnh khuynh hướng kế thừa, phát triển truyền thống, nền văn học, nghệ thuật Thủ đô thời gian qua còn có sự xuất hiện hai khuynh hướng mới - khuynh hướng cách tân hình thức và xu hướng thị trường. Sự xuất hiện và phát triển của lực lượng sáng tác trẻ với những dấu hiệu, đặc điểm mới đem đến luồng sinh khí mới, triển vọng phát triển mới trong văn học, nghệ thuật thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, mang đến cho công chúng những trải nghiệm mới.

Đặc biệt, xu hướng thị trường có những tác động ngày càng sâu sắc đến đời sống văn học, nghệ thuật. Mặt tích cực của nó là tạo ra nhiều nguồn lực và động lực mới cho văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ hơn, khẳng định giá trị to lớn hơn, thúc đẩy và tạo điều kiện cho quá trình xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới, nhưng cũng hình thành xu hướng chạy theo thị hiếu, chạy theo những giá trị nhất thời, giá trị ảo, tính thực dụng trong đời sống văn học, nghệ thuật và xã hội hiện nay.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn:
Phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống từ phong trào quần chúng

anh-tuan.jpg

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển văn học, nghệ thuật nói chung, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng nói riêng, trong những năm qua, quận Tây Hồ đã xây dựng các đề án, chương trình để đưa văn học, nghệ thuật thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng.

Trong 15 năm qua, quận Tây Hồ đã tổ chức trên 150 buổi biểu diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp quận, tham gia gần 100 liên hoan cấp thành phố, bao gồm các loại hình ca múa nhạc, đồng ca hợp xướng, sân khấu không chuyên, múa không chuyên, các cuộc thi ca khúc măng non, múa hát tập thể thiếu nhi, thu hút trên 5.000 diễn viên quần chúng thuộc mọi lứa tuổi tham gia. Các đội nghệ thuật của quận đi dự liên hoan, hội diễn thành phố đạt nhiều huy chương các loại...

Quận chú trọng xây dựng các mô hình CLB văn hóa văn nghệ và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Hiện nay, trên địa bàn quận có 29 CLB văn hóa văn nghệ; 8/8 phường đều có CLB thơ, văn nghệ, ca trù... Nhiều địa bàn dân cư đã thành lập các đội văn nghệ riêng. Các CLB văn hóa, văn nghệ duy trì hoạt động thường xuyên, tiêu biểu như CLB “Thơ Tây Hồ”, CLB “Dân ca Tây Hồ”, các CLB thơ, văn của người cao tuổi đã thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên; các sáng tác hay của hội viên được in thành tập thơ và phổ biến rộng rãi, góp phần nâng cao đời sống tin thần trong nhân dân.

Từ năm 2018 đến nay, tại “Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ” đã tổ chức trên 500 buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, tạp kỹ từ không chuyên đến chuyên nghiệp với nội dung và hình thức phong phú tại sân khấu chính, phục vụ nhân dân và du khách khi đến tham quan, du lịch tại quận Tây Hồ vào mỗi dịp cuối tuần. Hằng tuần có khoảng 1.000 lượt người đến với Không gian văn hóa Tây Hồ.

Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng:
Phong trào văn hóa văn nghệ đồng đều và rộng khắp

dai-thang.jpg

Trong những năm qua, thị xã Sơn Tây luôn tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ nhằm thu hút, tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ sinh hoạt và sáng tác... Chính quyền hỗ trợ các CLB văn học, nghệ thuật nâng cao chất lượng sáng tác và tổ chức sinh hoạt nhằm từng bước bồi dưỡng và phát triển lực lượng sáng tác, đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các CLB, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các CLB văn học nghệ thuật theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Có thể nói, phong trào văn hóa, văn nghệ của các xã, phường diễn ra khá sôi nổi và rộng khắp. Các CLB văn nghệ, đội văn nghệ xung kích, CLB thơ được thành lập ở các xã, phường đã mang lại không khí vui tươi, phấn khởi, tích cực trong các tầng lớp nhân dân với 117 CLB duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Trong 15 năm, gần 350 buổi liên hoan văn nghệ đã được tổ chức, đón 180 đoàn nghệ thuật về phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Trên địa bàn thị xã Sơn Tây hiện có 4 CLB thơ lớn với hơn 300 hội viên. Đó là chưa kể các CLB về mỹ thuật, sân khấu, cổ vật, nhiếp ảnh, khiêu vũ, sinh vật cảnh, gỗ lũa... hoạt động sôi nổi, tạo sân chơi lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của một số CLB nghệ thuật truyền thống chưa cao.

Thị xã Sơn Tây cũng tập trung chỉ đạo phát triển các mô hình CLB trong khối giáo dục, các tổ chức đoàn thể. Nhiều câu lạc bộ âm nhạc, mỹ thuật, dancing... đã được tổ chức trong các nhà trường, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đội ngũ giáo viên và học sinh. Các tổ chức đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên... cũng tổ chức nhiều loại hình CLB, sinh hoạt đều đặn, có chất lượng.

Trong thời gian tới, thị xã tiếp tục tăng cường xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng, hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống; tổ chức thường niên liên hoan văn nghệ quần chúng nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển văn học nghệ thuật: Lớn về lượng, cao về chất Sôi nổi đời sống văn nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.