(HNM) - Ngày 9-9, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội khai mạc Tuần lễ nhận diện nông sản an toàn, đặc sản Bắc Bộ tại Hà Nội (diễn ra từ ngày 9 đến 15-9 tại 128 điểm trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội).
Cùng với đó, trong ngày đã diễn ra hội thảo với chủ đề "Chia sẻ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn” với nhiều ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản an toàn trên thị trường.
Người dân lựa chọn thực phẩm tại phiên chợ nông sản, thực phẩm an toàn và vật tư nông nghiệp ngày 9-9. Ảnh: Khánh Huy |
Cùng nhận diện nông sản an toàn
Đây là lần đầu tiên Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản Bắc Bộ được tổ chức, nhằm giúp người tiêu dùng Thủ đô nhận biết và lựa chọn các sản phẩm an toàn chất lượng nói chung và của các tỉnh Bắc Bộ nói riêng.
Theo Ban tổ chức, tổng số có hơn 1.500 sản phẩm tham gia Tuần lễ gồm gạo, trái cây, rau, quả, chè, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, sản phẩm chế biến. Các đơn vị, hợp tác xã của Hà Nội tham gia Tuần lễ với các sản phẩm đặc trưng như: Gạo Bồ Nâu, gạo Bối Khê, gạo nếp cái hoa vàng, nhãn chín muộn Đại Thành, nhãn muộn Hoài Đức… Điểm nổi bật của Tuần lễ nhận diện nông sản an toàn, đặc sản Bắc Bộ tại Hà Nội là các sản phẩm được bán trong Tuần lễ có dán tem QR code để nhận diện, truy xuất nguồn gốc bằng smartphone. Tại địa điểm chính trong Khu hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại có 80 gian hàng tiêu chuẩn, trong đó có 30 gian hàng trưng bày nông sản thực phẩm an toàn có dán tem QR code truy xuất nguồn gốc điện tử. Ban tổ chức cũng bố trí quầy tư vấn, hướng dẫn cho người tiêu dùng kỹ năng truy xuất nguồn gốc cơ sở sản xuất và sản phẩm thông qua Hệ thống minh bạch thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn.
Theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, hiện nay, Hà Nội và các tỉnh đều đã xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn như: Vùng lúa chất lượng, rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, chè an toàn, hoa chất lượng, các vùng chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư... bảo đảm các tiêu chí về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, VietGAP… Tuy nhiên, tại địa bàn Thủ đô lượng nông sản thực phẩm có chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%, việc tiêu thụ nông sản an toàn luôn gặp nhiều khó khăn do hàng hóa kém phong phú, niềm tin người tiêu dùng chưa cao… Do vậy, Hà Nội coi việc kết nối đặc sản các vùng miền là một giải pháp giúp cho thị trường này vốn ảm đạm trở nên sôi động hơn. Việc tổ chức các tuần lễ giới thiệu nông sản sẽ rất thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối sản phẩm an toàn trên địa bàn Hà Nội có thêm cơ hội kết nối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phân phối đặc sản vùng miền của các tỉnh phía Bắc để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, góp phần xây dựng chuỗi tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá thành rẻ và chất lượng cao.
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, đánh giá: Khó khăn lớn nhất của việc sản xuất kinh doanh nông sản an toàn là do chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ vùng để tạo ra liên kết giữa doanh nghiệp của Hà Nội và các địa phương nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đặc sản vùng miền đủ sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và hội nhập quốc tế.
Thực tế, qua các phiên đưa nông sản đặc sản các tỉnh, thành phố trong cả nước về Hà Nội đã đạt được nhiều tín hiệu khả quan, khi các nông sản này được giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng gắt gao trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Điện Biên, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, Điện Biên có nhiều loại đặc sản như chè, gạo… chất lượng vượt trội được đông đảo người tiêu dùng Thủ đô đón nhận. Có điều, khâu xúc tiến thương mại kém, việc đầu tư quản lý thương hiệu chưa tốt dẫn đến gạo tám Điện Biên bị làm nhái trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Hồng Gấm hy vọng, với việc dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc điện tử do Ngành Nông nghiệp Hà Nội áp dụng tại "Tuần lễ nông sản đặc sản an toàn Bắc Bộ" lần này sẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm nông sản của Điện Biên.
Đề cập đến một khía cạnh khác, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng lại nêu ra thực tế hiện nay chính sách về đất đai cũng đang là một rào cản. Doanh nghiệp luôn trong tình trạng khó khăn về đất sản xuất, kho bãi, địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản an toàn trong khi giá thuê đất thực hiện sản xuất kinh doanh nông sản cao. Công tác kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp mặc dù đã được quan tâm, song vẫn còn không ít hạn chế dẫn tới thực trạng sản phẩm kém chất lượng tiêu thụ trên thị trường khiến doanh nghiệp làm nghiêm túc bị lép vế, người tiêu dùng mất niềm tin. Trong khi đó, giá cả nông sản an toàn khó cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường; bản thân doanh nghiệp ngại thực hiện các thủ tục pháp lý đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tem nhãn xuất xứ sản phẩm do đội chi phí cao nếu không có hỗ trợ của cơ quan chức năng...
Nêu quan điểm nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc cho rằng: Cơ quan quản lý nhà nước ở khâu nào phải có trách nhiệm quản chặt khâu mình được phân công phụ trách; đối với thú y phải kiểm soát tốt khâu chăn nuôi và giết mổ; ngành bảo vệ thực vật phải kiểm soát tốt việc sản xuất trên đồng ruộng…; ngành quản lý thị trường sẽ siết chặt ở khâu lưu thông, phối kết hợp với các lực lượng khác vây bắt các đối tượng vận chuyển hàng hóa nông sản kém chất lượng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.