Góc nhìn

Kiểm soát nông sản, thực phẩm từ gốc

Bắc Vũ 14/04/2024 - 06:20

Thành phố Hà Nội vừa tổ chức triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5). Trong Tháng hành động, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra công tác an toàn thực phẩm, nhất là ở những địa bàn, cơ sở dễ phát sinh sai phạm, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm soát nông sản, thực phẩm từ gốc.

Nhằm kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm, thời gian qua, Hà Nội luôn chú trọng xây dựng vùng nông sản an toàn; tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm theo chuỗi. Đến nay, thành phố xây dựng và phát triển được khoảng trên 160 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Ngoài ra, để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, thành phố đã ký kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước phát triển hơn 900 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm và đặc sản vùng miền, hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn Thủ đô…

Việc liên kết theo chuỗi giá trị có lợi thế quan trọng là chúng ta kiểm soát được toàn bộ “đường đi” của nông sản, thực phẩm từ khi người nông dân bắt tay vào sản xuất (cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, quy trình sản xuất), đến khâu sơ chế, chế biến gắn với thương mại, tiêu thụ và cuối cùng là thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Quá trình này diễn ra minh bạch và người tiêu dùng có thể truy xuất nhanh nguồn gốc của nông sản, thực phẩm khi cần thiết.

Có thể nói, liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chính là một trong những giải pháp quan trọng kiểm soát nông sản, thực phẩm từ gốc. Việc này không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, mà còn hướng tới chuỗi giá trị bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh trong nông nghiệp.

Vấn đề cần quan tâm hiện nay là phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong chuỗi sản xuất, từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản. Toàn bộ chu trình của nông sản, thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” phải được kiểm soát chặt chẽ, theo đúng các quy định hiện hành về kiểm dịch động - thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, hoạt động xuất, nhập khẩu, phân phối, lưu thông trên thị trường…

Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm phải là biện pháp quan trọng nhất trong kiểm soát thực phẩm. Vì vậy, đội ngũ thực hiện nhiệm vụ này cần bảo đảm đủ năng lực chuyên môn để kiểm soát và xử lý được tất cả các khâu của chu trình sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm. Trong đó, cần lưu ý đến những vấn đề nóng bỏng hiện nay như kiểm soát dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản, thịt gia súc, gia cầm, hải sản; nông sản, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu lưu thông trên thị trường…

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường khâu hậu kiểm ở các đơn vị, doanh nghiệp tự công bố về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình tốt, đồng thời công khai cơ sở vi phạm và việc xử lý vi phạm để bảo đảm tính răn đe.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương cần tăng cường xây dựng vùng sản xuất an toàn; ứng dụng công nghệ số trong quản lý truy xuất quá trình sản xuất nông sản; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động truy xuất nguồn gốc, kinh doanh nông sản…

Kiểm soát nông sản, thực phẩm từ gốc là hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển bền vững ngành Nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát nông sản, thực phẩm từ gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.