Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và tình cảm thiêng liêng

30/03/2017 07:09

(HNM) - Vấn đề học tập và làm theo Bác trong Đảng và xã hội ta đã có một quá trình lịch sử liên tục, lâu dài...

Vấn đề học tập và làm theo Bác trong Đảng và xã hội ta đã có một quá trình lịch sử liên tục, lâu dài. Tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Điếu văn vĩnh biệt Người, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã cùng thề: “Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch”.

Ngày 29-9-1969, Bộ Chính trị khóa III đã ban hành Chỉ thị số 173-CT/TƯ về “Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” với mục đích: “Làm tăng thêm lòng tự hào, phấn khởi, tin tưởng, ý chí quyết tâm thực hiện lời dạy của Người, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhanh đến ngày thắng lợi hoàn toàn”.

Những năm sau đó, khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” với yêu cầu học tập và làm theo gương Bác đã được toàn Đảng, toàn dân nêu cao thực hiện.

Ngày 19-8-1989, Bộ Chính trị khóa VI ra Thông báo số 151-TB/TƯ về “Một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đặc biệt từ sau Đại hội VII của Đảng (6-1991) việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh được đẩy mạnh. Ngày 27-3-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 23-CT/TƯ về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, trong đó có xác định mục đích: “Tạo ra phong trào rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức, lối sống”.


Học sinh Hà Nội tham gia cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Bộ GD-ĐT phát động. Ảnh: Duy Văn


Năm 2005, Bộ Chính trị (khóa IX) đã quyết định làm điểm việc tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trên cơ sở kết quả việc làm điểm, ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Chỉ thị 06-CT/TƯ về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Đại hội XI của Đảng đã yêu cầu đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức Đảng và các tầng lớp nhân dân. Và ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TƯ về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Đến Đại hội XII, Đảng ta khẳng định “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Như vậy, có thể khẳng định, việc học tập và làm theo Bác xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng qua mỗi thời kỳ. Không chỉ vậy, đây còn là tình cảm thiêng liêng của cán bộ, đảng viên, nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu.

2. Trong những năm tới đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ rất quan trọng, cần thiết với mục đích, yêu cầu được xác định cao hơn, phạm vi rộng hơn so với Chỉ thị 06-CT/TƯ (khóa X) và Chỉ thị 03-CT/TƯ (khóa XI); gắn chặt với chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là về tư tưởng chính trị, nhấn mạnh các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đây cũng là lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức.

Việc ban hành chỉ thị mới - Chỉ thị 05-CT/TƯ về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, là nhằm đáp ứng yêu cầu cao hơn về rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới.

Đây cũng là lần đầu tiên “phong cách Hồ Chí Minh” được nhấn mạnh chính thức trong văn kiện Đại hội Đảng. Việc Bộ Chính trị ban hành một chỉ thị mới với một trong những trọng tâm là học tập và làm theo phong cách, tác phong Hồ Chí Minh về: Dân chủ, nêu gương, quần chúng, khoa học, nói đi đôi với làm... được kỳ vọng là sẽ tạo động lực mới trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội thực hiện, kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh liên tục là một trong ba hoạt động được quan tâm và đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc học tập và làm theo Bác còn có những hạn chế, mà quan trọng nhất, là vẫn chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức Đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên là lãnh đạo, những người “có chức, có quyền” như chúng ta thường gọi tắt.

Trao đổi với nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, các cấp lãnh đạo và cán bộ, đảng viên, nhân dân về nguyên nhân vì sao việc học tập và làm theo Bác chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác, thì rất nhiều ý kiến cho rằng để thay đổi thói quen, rèn luyện ý thức tự giác đòi hỏi rất nhiều thời gian, sự kiên trì, quyết tâm lớn. Vì vậy, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người cần được tiếp tục kiên trì, quyết tâm thực hiện, để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, dân chủ; dân tộc Việt Nam độc lập, tự do; nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc.


PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa

Ban Tuyên giáo Trung ương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và tình cảm thiêng liêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.