Nghị quyết và Cuộc sống

Gia Lâm thiết thực làm theo lời Bác

Ánh Dương 04/11/2023 07:06

Tích cực triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính và nỗ lực giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần xây dựng người Gia Lâm thanh lịch, văn minh...

Đó là những việc làm thiết thực của cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Gia Lâm trong việc học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

hnm.1cdn.vn-2023-10-12-_hnm.1cdn.vn-2023-10-12-_hnm.1cdn.vn-2023-10-12-_20231012_093207-1-.jpg
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà trao khen thưởng "Người tốt, việc tốt" cho các cá nhân.

Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm

Thực hiện tốt chủ đề năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, nhằm “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, huyện Gia Lâm xác định công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội trên địa bàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, ngay từ đầu năm 2023, huyện đã ban hành 3 kế hoạch với 7 nội dung, 6 nhóm chỉ tiêu chủ yếu và 41 nhiệm vụ cụ thể, nhằm thực hiện công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Huyện cũng duy trì, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 tại 100% các phòng chuyên môn, 22/22 xã, thị trấn và 78/78 trường học thuộc huyện; triển khai đúng tiến độ các kế hoạch của thành phố và huyện trong cải cách hành chính. Bên cạnh đó, huyện tập trung bố trí nhân lực thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết 176 thủ tục hành chính được ủy quyền từ UBND thành phố, các sở chuyên ngành cho cấp quận, huyện, thị xã.

Đồng thời, huyện đưa vào vận hành hiệu quả 2 mô hình mới, là: “Ứng dụng mã QR để tuyên truyền, tra cứu 25 thủ tục hành chính thiết yếu trên địa bàn huyện Gia Lâm” và “Ngày thứ ba không viết, không giấy hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn huyện Gia Lâm”… Nhờ đó, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng dịch vụ công trực tuyến bảo đảm đạt mục tiêu thành phố giao. Trong đó, 94,97% thủ tục hành chính cấp huyện và 100% thủ tục hành chính cấp xã được cung cấp trực tuyến một phần; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; công khai mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thực hiện số hóa toàn bộ kết quả giải quyết hồ sơ hành chính đối với 100% hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận "một cửa" của huyện.

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan hành chính trên địa bàn huyện, các xã, thị trấn đã tiếp nhận, giải quyết 90.209 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 100%...

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử

Cùng với tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, Đảng bộ, chính quyền huyện Gia Lâm thường xuyên quan tâm xây dựng, phát triển văn hóa và đã thu được những kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu văn hóa đạt và vượt kế hoạch; đời sống của người dân tiếp tục được nâng cao.

Nhân dân trên địa bàn huyện đồng thuận, ủng hộ các chủ trương của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và hoàn thiện các tiêu chí thành lập phường, quận, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

hnm.1cdn.vn-2023-10-23-_thanhnien2.jpg
Thanh niên huyện Gia Lâm ra quân tổng vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt nhấn mạnh, Gia Lâm tự hào là quê hương Phù Đổng Thiên Vương - biểu tượng khí phách quật khởi của con người Việt Nam. Gia Lâm được gắn liền với tên tuổi của Đức thánh Chử Đồng Tử, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, danh nhân Cao Bá Quát… Trên địa bàn huyện có 320 di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng kháng chiến; 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Trung ương và thành phố, những năm qua, huyện Gia Lâm đã tích cực phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Huyện tập trung tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử bị xuống cấp với tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng; ứng dụng công nghệ 4.0 vào bảo tồn các giá trị văn hóa, như việc số hóa các di sản bằng mã QR gắn tại điểm du lịch…

Tương tự, gốm sứ Bát Tràng cũng là một di sản văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Qua những bàn tay tài hoa, các sản phẩm gốm sứ nơi đây trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa vốn có, Bát Tràng đã và đang là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong, ngoài nước, mang lại nguồn thu lớn cho người làm nghề, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương...

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt, quá trình địa phương thực hiện bảo tồn, phát huy các công trình văn hóa, quy hoạch, kiến trúc, thiết chế văn hóa và tích cực thực hiện cải cách hành chính là những phần việc mà Gia Lâm thiết thực làm theo lời Bác, góp phần định hướng, lan tỏa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm thiết thực làm theo lời Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.