(HNM) - Vải thiều - một loại trái cây được xem là “điểm tựa kinh tế” của người nông dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương… đang vào vụ thu hoạch với năng suất vượt trội. Nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đã được các địa phương rầm rộ triển khai. Tuy nhiên, để quả vải nói riêng, sản phẩm nông nghiệp nói chung “lên ngôi” và người nông dân không phải canh cánh nỗi lo “được mùa, mất giá” vẫn là vấn đề lớn.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022 sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang lên tới 180.000 tấn, còn Hải Dương khoảng 60.000 tấn… Thời điểm hiện tại, những trái vải tươi mang theo sức hấp dẫn riêng có không chỉ đã len lỏi vào các con phố, siêu thị, cửa hàng… trên địa bàn Hà Nội mà còn có mặt ở các thị trường “khó tính” như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia…
Những tín hiệu tích cực đang đến! Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, xu thế tiêu dùng đang có nhiều thay đổi. Các thị trường nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn đến chất lượng thông qua việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là những tiêu chí về an toàn thực phẩm… Để quả vải nói riêng, nông sản nói chung tiếp cận với những thị trường có giá trị cao, được các nhà phân phối săn tìm, người tiêu dùng đón nhận… cần có tư duy, phương thức sản xuất mới, hướng tới bảo đảm chất lượng ổn định… Nói cách khác, người nông dân cần sản xuất theo quy trình với những tiêu chuẩn chặt chẽ.
Niềm tin của khách hàng và dịch vụ giao hàng là yếu tố quyết định thành công. Do vậy, vấn đề hiện nay không chỉ là đổi mới phương thức tiêu thụ sản phẩm thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin hay phát triển công nghiệp chế biến nâng cao giá trị nông sản, mà còn phải tổ chức sản xuất theo những quy trình canh tác an toàn và “nói không” với hóa chất gây hại. Đây là yếu tố căn cốt để nông sản thỏa mãn đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng cũng như các nhà nhập khẩu.
Để làm được điều đó, trước hết ngành Nông nghiệp và các địa phương cần xây dựng một hệ sinh thái đồng hành cùng người nông dân trong suốt chiều dài của chuỗi giá trị, từ cung ứng nguyên liệu “đầu vào” sản xuất đến “đầu ra” tiêu thụ sản phẩm. Qua đó giúp người nông dân tiếp cận tri thức, công nghệ mới; đồng thời từng bước thay đổi nhận thức tư duy, hướng tới phương thức sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng và tạo ra giá trị mới cho sản phẩm.
Cùng với đó là xây dựng các nhóm tương tác để thường xuyên chia sẻ thông tin về thị trường, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, hỗ trợ điều chỉnh kỹ thuật canh tác phù hợp và cảnh báo sớm những hệ lụy có thể xảy ra. Từ công việc hằng ngày, các thành viên cùng hình thành ý thức tuân thủ quy trình sản xuất. Nỗ lực chính là “chìa khóa” mở cánh cửa thành công và dù là trồng vải, nhãn, xoài hay trồng lúa… người nông dân cũng phải thật sự chuyên nghiệp.
Từ câu chuyện quả vải thời hội nhập, có thể nhận thấy rất nhiều vấn đề với ngành Nông nghiệp và người nông dân. Thực tế cho thấy, nông sản Việt Nam có vị thế vững chắc tại các thị trường giá trị cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc đổi mới sản phẩm, chất lượng sản phẩm… Và có thể nói rằng, vấn đề “gốc” của sự đổi mới ấy chính là tư duy mới trong những con người trực tiếp làm ra sản phẩm.
Chỉ khi người nông dân ý thức được sự cần thiết phải thay đổi tư duy, phương thức sản xuất để tạo ra những giá trị mới thích ứng với đòi hỏi của thị trường thì mới đẩy lùi được tình trạng “được mùa, mất giá” và làm giàu từ ruộng vườn của chính mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.