(HNMO) - Ngày 29-5, tại tỉnh Hải Dương đã diễn ra “Hội nghị Xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022”. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu với các Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và khu vực trên thế giới cùng sự tham gia của Sở Công Thương các địa phương, doanh nghiệp trong nước.
Những năm vừa qua, vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hải Dương đã được tiêu thụ mạnh ở trong và ngoài nước. Riêng sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Singapore, Thái Lan...
Đánh giá cao các ngành nghề, sản vật nông nghiệp có tiếng của tỉnh Hải Dương, đặc biệt là trái vải thiều Thanh Hà, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương quảng bá thương hiệu và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều cũng như các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp khác. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng hỗ trợ tỉnh Hải Dương xây dựng các phương án, kịch bản đẩy mạnh tiêu thụ quả vải thiều và nông sản ở thị trường trong nước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương cần chủ động ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến thương mại, như: Giao thương trực tuyến, hội chợ và hội thảo trực tuyến; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu giữa các địa phương nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh để điều hành linh hoạt các hoạt động thu mua vải thiều, nông sản giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân.
Đồng thời, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, kịp thời thông báo đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiêu thụ theo tín hiệu của thị trường. Bên cạnh đó, tập trung hình thành sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi ngành hàng, nhất là với trái vải, để sẵn sàng đối mặt với mọi rủi ro có thể xảy ra. Không ngừng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới nhằm chủ động hơn trong việc tiêu thụ nông sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.