(HNMO) – Sáng 30/6, Sở Công Thương tổ chức hội nghị triển khai Hội chợ hàng Việt Nam TP Hà Nội năm 2014. Hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 22 -26/8, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam, Giảng Võ, Hà Nội.
Để tổ chức hội chợ năm 2014 tốt hơn, hưởng ứng thiết thực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tại hội nghị nhiều đại biểu đã nhìn nhận, đánh giá lại kết quả của lần tổ chức trước (năm 2013). Theo đó, ông Nguyễn Việt Hùng – Phó Chi cục QLTT Hà Nội cho hay: Các hội chợ hiện nay tổ chức nhiều nhưng thiếu bản sắc, đặc trưng nổi bật nên các DN cũng bớt hào hứng tham gia, người dân thì hoang mang khi đến hội chợ vì giá cả trên giời, vào hội chợ như mua hàng xén… Tại Hội chợ hàng Việt năm trước thiếu các sản phẩm làng nghề đặc trưng của Hà Nội như: giày dép, chăn ga gối đệm, khảm trai, giò chả, bánh giày… Ông Hùng đề xuất Hội chợ hàng Việt Nam năm nay phải có một buổi chuyên giới thiệu các món ẩm thực của Thủ đô.
Ngoài ra, tại gian hàng thật hàng giả Hội chợ hàng Việt Nam, có ý kiến đề xuất, cơ quan QLTT cần ghi chú rõ hơn cách phân biệt hàng thật, hàng giả. Bên cạnh đó, một DN cũng kiến nghị nguồn điện cung cấp cho hội chợ năm trước không đảm bảo nên DN rất khó khăn trong việc bảo quản sữa.
Ghi nhận những đóng góp trên, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết năm nay, Ban Tổ chức sẽ cố gắng khắc phục những hạn chế từ hội chợ năm trước. Điểm mới của hội chợ năm nay là tập trung quảng cáo cho những sản phẩm có thương hiệu mạnh và các thương hiệu Việt trên địa bàn TP; thu hút các DN làng nghề; liên kết mời DN các tỉnh,TP trên cả nước để tăng cường xúc tiến vùng; Giám sát, đảm bảo chất lượng hàng hóa…
Theo đó, bên cạnh những sản phẩm đặc trưng của Hà Nội, hội chợ năm nay sẽ có thêm hàng hóa đặc sản các vùng miền như: Cao Bằng có mặt hàng nông sản, đồ gia dụng dao, kéo bằng thép nổi tiếng; Ninh Thuận có các loại trái cây như táo, nho...; Hải Dương có bánh đậu xanh bánh gai...
Dự kiến Hội chợ hàng Việt năm 2014 có quy mô từ 200 đến 220 gian hàng, thu hút các doanh nghiệp Việt Nam chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các ngành hàng chủ yếu do Việt Nam sản xuất bao gồm: thực phẩm, đồ uống; thời trang, dệt may, giày dép; hàng điện, điện máy, điện tử, máy tính, viễn thông; đồ gia dụng, nội thất gia đình, hàng thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng khác (không bao gồm rượu, thuốc lá)…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.