Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng: Chủ động, quyết liệt hơn nữa

Minh Ngọc| 20/04/2017 07:31

(HNM) - Sau hơn một tháng triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã có những cách làm sáng tạo, song cũng còn không ít nơi chưa quan tâm đúng mức.


Hướng dẫn trẻ em bỏ rác đúng nơi quy định góp phần hình thành, xây dựng ứng xử văn hóa nơi công cộng. Ảnh: Anh Tuấn


Nơi quyết liệt, chỗ thờ ơ

Ngày 18-4, phóng viên Báo Hànộmới đến nhiều điểm thực hiện "khảo sát" và nhận thấy, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội (quy tắc ứng xử nơi công cộng) đã và đang được triển khai linh hoạt, sáng tạo tại một số thiết chế văn hóa. Suốt từ sáng sớm đến chiều muộn, anh Phạm Nam Cường, nhân viên trông coi di tích đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm) trực tại đầu cầu Thê Húc phổ biến cho du khách các quy tắc ứng xử cơ bản tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Thấy du khách nào mặc trang phục chưa phù hợp, anh Cường lại hướng dẫn khách đến quầy cho mượn trang phục. Anh Nguyễn Thái Hòa, hướng dẫn đoàn khách đến từ Hà Lan cho biết, du khách thường mặc những trang phục thoải mái, dễ di chuyển, khó có thể phù hợp với mọi điểm đến. Ban Quản lý đền Ngọc Sơn bố trí quầy phục vụ trang phục miễn phí cho du khách là cách làm hợp lý, hợp tình. Khoác trên người bộ trang phục kín đáo, du khách cũng thêm hiểu, tôn trọng văn hóa và con người Việt Nam hơn.

Ngoài đền Ngọc Sơn, các điểm di tích xung quanh hồ Hoàn Kiếm như đền Bà Kiệu, Tượng đài vua Lê, 48 Hàng Ngang do Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội quản lý đều có đội ngũ cán bộ trực tiếp tuyên truyền, phổ biến cho du khách các quy tắc ứng xử và tạo điều kiện cho khách mượn trang phục miễn phí.

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bảng hướng dẫn thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng được lắp dựng trang trọng trước cổng di tích bằng hai thứ tiếng Việt - Anh. Đọc bảng hướng dẫn này, du khách hiểu rõ những việc nên làm và không nên làm khi tham quan di tích. Một số du khách mặc quần soóc, váy ngắn tự giác không vào sâu khu nội tự.

“Từ khi bảng hướng dẫn thực hiện quy tắc ứng xử được dựng lên, lượng du khách mặc trang phục phản cảm vào khu thờ tự giảm hẳn. Du khách cũng chú ý hơn việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan” - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết.

Trái ngược với một số điểm di tích, các đơn vị quản lý khu vực công cộng khác là nhà ga, bến tàu, xe, vườn hoa, công viên… vẫn chưa quan tâm triển khai quy tắc ứng xử nơi công cộng. Sáng 18-4, lượng khách ngồi ở nhà chờ Bến xe Mỹ Đình khá đông, nhưng đa số người được hỏi chưa biết và cũng không có ai phổ biến, hướng dẫn họ thực hiện quy tắc ứng xử tại đây. Bên trong khu vực nhà chờ cũng như bên ngoài bến xe, hệ thống biển hiệu, bảng quảng cáo rất nhiều, nhưng chưa có bảng, biển nào chuyển tải nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng. Hành khách vẫn vô tư nói chuyện, ăn uống, xả rác. Cảnh mời chào, giành khách vẫn diễn ra...

Tình trạng này cũng diễn ra ở Bến xe Giáp Bát, Ga Hà Nội… Các công viên, vườn hoa thì mới chỉ có bảng nội quy vốn niêm yết từ lâu, chưa có bảng hướng dẫn và cũng chưa có cán bộ nhắc nhở người dân thực hiện những nội dung của quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Phát huy phối hợp liên ngành

Đến thời điểm này, quy tắc ứng xử nơi công cộng đã được triển khai tới tất cả ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội. Trong quá trình triển khai, nhiều đơn vị, địa phương đã chủ động tích hợp quy tắc ứng xử nơi công cộng với nội quy, quy chế của đơn vị. Với vai trò là cơ quan thường trực triển khai, tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, Sở VH-TT Hà Nội đã yêu cầu tất cả cơ sở, đơn vị trực thuộc gương mẫu thực hiện. Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị Sở Du lịch Hà Nội phối hợp thông báo, phổ biến nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng đến khách du lịch, trước khi tham quan các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

“Sau thời gian ngắn phối hợp, hiệu quả tuyên truyền đã thấy rõ. Thời gian đầu, một số người bày tỏ sự không hài lòng khi được nhắc nhở về việc không nên mặc trang phục quá ngắn vào nơi thờ tự. Nhưng những ngày gần đây, chúng tôi không nhận được ý kiến phàn nàn nào của du khách” - Trưởng ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Thị Hòa chia sẻ.

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Tây Hồ Chu Thị Minh Tân, việc triển khai quy tắc ứng xử nơi công cộng được quận quán triệt, phổ biến đến tất cả ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ quận đến cơ sở, Trưởng ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư, tổ trưởng các tổ dân phố. Khi nắm rõ chủ trương, lực lượng này đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, vận động gia đình và người thân nghiêm túc thực hiện; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng thông qua các cuộc hội họp, sinh hoạt...

Tương tự, quận Hoàn Kiếm vừa quán triệt quy tắc ứng xử nơi công cộng đến tất cả các ngành, đoàn thể, vừa chủ động triển khai lồng ghép với “Một số tiêu chí ứng xử của người dân khu phố cổ”; lấy kết quả thực hiện làm tiêu chí đánh giá, bình xét các danh hiệu thi đua của cá nhân, tập thể hằng năm. Quận Hai Bà Trưng giao Phòng GD-ĐT đưa nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng vào giảng dạy trong bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh các trường trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, sau hơn một tháng được ban hành, quy tắc ứng xử nơi công cộng đã tạo ra những hiệu ứng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để từng bước xây dựng và hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng rất cần sự vào cuộc quyết liệt, sự linh hoạt, sáng tạo trong triển khai của mỗi địa phương, mỗi cơ quan đơn vị.

"Trong quá trình triển khai, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần phản ánh kịp thời để Sở VH-TT Hà Nội tổng hợp, kiến nghị thành phố có giải pháp tháo gỡ" - Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi đề nghị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng: Chủ động, quyết liệt hơn nữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.