Gần 7 năm kiên trì, bền bỉ đi vào đời sống, Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội đã trở thành thông điệp thân thuộc; đích đến cho việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh ở Thủ đô. Tại nhiều địa phương, những cách làm hay, mô hình sáng tạo đã và đang tiếp tục được thực hành, lan tỏa đưa quy tắc ứng xử thấm sâu vào đời sống cộng đồng.
Tích cực sáng tạo, lan tỏa
Quận Cầu Giấy vừa chính thức ra mắt mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng chợ văn minh thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng” cuối tháng 10 vừa qua, nhằm bồi dưỡng ý thức xây dựng văn hóa ứng xử, cũng như tạo diện mạo mới hấp dẫn và văn minh hơn cho khu chợ truyền thống tại địa phương. Trước đó, không ít mô hình đã trở thành kiểu mẫu, niềm tự hào nhiều năm của Cầu Giấy trong bồi đắp văn hóa ứng xử, tiêu biểu như mô hình “Cầu thang văn hóa”, “Thư viện gia đình”, “Nhóm hộ gia đình tự quản”…
Tương tự, quận Hoàng Mai chọn lồng ghép tuyên truyền nội dung các quy tắc ứng xử thông qua đa dạng mô hình, hoạt động sáng tạo nơi cơ sở. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Võ Xuân Trọng cho biết: “Trong năm 2023, rất nhiều hội thi, hội diễn, phong trào thi đua gắn với triển khai quy tắc ứng xử đã được thực hiện, như: Hội thi “Nét đẹp công sở”, liên hoan “Phụ nữ Hoàng Mai ứng xử thanh lịch, văn minh”, liên hoan “Văn hóa người cao tuổi”, cuộc thi “Ngõ phố sáng, xanh, sạch, đẹp”; phong trào xây dựng tuyến phố văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường… Trước đó, việc lồng ghép nội dung quy tắc ứng xử vào hương ước, quy ước hay tiêu chí đánh giá tổ dân phố văn hóa cũng đã được hoàn thành”.
Sau gần 7 năm ra đời, có thể thấy, hệ thống quy tắc ứng xử đang ngày càng trở nên thân thuộc với các cấp chính quyền, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân trong việc căn chỉnh văn hóa ứng xử, xây dựng cộng đồng ngày một văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, mà quận Hoàng Mai và Cầu Giấy là hai trong nhiều ví dụ tiêu biểu. Theo Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thị Việt Hà, từ thành phố tới cơ sở, hàng trăm cách làm hay, mô hình điểm đã và đang được triển khai, nhân rộng nhằm hiện thực hóa hai quy tắc ứng xử. Đáng nói, dù nhiều mô hình có nội dung tương tự, song việc triển khai không bị dập khuôn mà có sáng tạo cho phù hợp với điều kiện, đặc trưng, tính chất địa bàn, dân cư sinh sống.
Xây dựng cộng đồng văn minh, giàu bản sắc
Cũng theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, năm 2023 tiếp tục là năm tạo nhiều dấu ấn về đưa quy tắc ứng xử vào đời sống thông qua hàng loạt hoạt động bao trùm, kết nối toàn thành phố. Có thể kể đến: Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng” thành phố Hà Nội năm 2023; cuộc thi và triển lãm ảnh về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thành phố Hà Nội năm 2023; hội thi cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi thành phố Hà Nội” lần thứ I - năm 2023; tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Thực trạng và giải pháp”… Tất cả nhằm tiếp tục hỗ trợ cho những nỗ lực nâng cao hiệu quả triển khai hai quy tắc ứng xử gắn với xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ cơ sở.
Để công tác này tiếp tục giành được nhiều thành quả mới, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng cho rằng, các địa phương nên lồng ghép nội dung quy tắc ứng xử một cách linh hoạt với cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp”, xây dựng cơ quan đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, xây dựng môi trường văn minh, tiến bộ, bảo đảm trật tự - an toàn xã hội.
“Cần xây dựng các hình thức tuyên truyền theo từng nhóm đối tượng cho phù hợp, quan tâm tới những nơi trọng điểm, dễ xảy ra bất cập, như: Khu chợ, bến xe, vườn hoa… Đối với công sở, cần duy trì định kỳ đánh giá, nêu gương cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện hai quy tắc ứng xử; phê bình thẳng thắn những hành vi, thái độ đi ngược lại chuẩn mực ứng xử...”, ông Đinh Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Còn theo Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa - xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) Nguyễn Viết Chức, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước bắt tay vào xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh với những yêu cầu căn cơ, cụ thể. "Tôi tin với cách làm rốt ráo song đầy khoa học; sự chung tay vào cuộc các cấp chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân như hiện nay, Thủ đô sẽ sớm đạt được những mục tiêu đã đặt ra", ông Nguyễn Viết Chức nói thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.