(HNM) - Sau một loạt các sự cố mất an toàn xảy ra tại các công trình đường sắt đô thị, cơ quan chức năng mới rốt ráo vào cuộc kiểm tra xử lý.
Cùng với việc đình chỉ thi công để điều tra nguyên nhân kết luận trách nhiệm ở các công trình xảy sự cố rơi thanh sắt, gãy cần cẩu… thì các công trình chưa xảy ra sự cố cũng được xem xét. Và khi Sở GTVT Hà Nội công bố quyết định "đóng cửa" ga La Thành (trên phố Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) vì lý do thi công thiếu an toàn, người dân mới sững sờ vì ngay cả một công trình chưa để xảy ra tai nạn thì nguy hiểm vẫn đang rình rập.
Ga La Thành bị dừng thi công vì không bảo đảm an toàn. |
Theo lý giải về việc không cấp phép cho ga La Thành vì công trình này thi công chưa đúng bản vẽ thiết kế, có nguy cơ gây tai nạn rất cao. Cụ thể, trụ đà giáo tại phần trái tuyến của công trình theo hướng Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa đang thiếu một hàng trụ để nâng đỡ phần giàn thi công phía trên. Do không có hàng cột nâng đỡ nên giàn giáo thi công trên phần trái tuyến này được nhà thầu lắp dựng theo phương án hẫng - đua ra bên ngoài, chiều dài phần đua ra dài tới 3m, rất nguy hiểm với phương tiện đi lại bên dưới. Để bảo đảm an toàn, Sở GTVT yêu cầu đơn vị thi công phải bổ sung thêm hàng trụ chống đỡ phần giàn giáo đua hẫng ra nhưng chưa đáp ứng nên cơ quan này phải ra quyết định tạm thời dừng cấp phép thi công. Hiện công trình này đang được quây rào để đấy.
Thoạt nghe thì đây có vẻ là thái độ cương quyết nhằm phòng ngừa tai nạn và mất an toàn ở các công trình xây dựng. Nhưng những ai đang sống gần các công trường nhà ga của tuyến đường sắt này thì cho rằng, biện pháp tạm dừng thi công chưa phải đã là triệt tiêu nguy cơ mất an toàn. Đã thừa nhận giàn giáo đua hẫng ra ngoài bị thiếu trụ chống đỡ là mất an toàn thì Sở GTVT phải cương quyết yêu cầu bổ sung trụ chống đỡ cho bảo đảm trước khi quyết định cho đơn vị thi công tiếp hay dừng lại chứ không thể đóng cửa công trình khi nguy hiểm vẫn treo lơ lửng. Ngày ngày, hàng nghìn người tham gia giao thông cùng hàng trăm người dân sống cạnh công trình vẫn phải chấp nhận đi lại dưới gầm công trường ẩn chứa đầy nguy hiểm này. Nói dại, nếu công trình bị dừng thi công nhưng vẫn xảy ra sự cố thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Đơn vị thi công sẽ nói là họ đang không được thi công, cơ quan ra quyết định đóng cửa công trình có nhận trách nhiệm về mình không? Chẳng lẽ tai họa rơi vào người dân nào thì người ấy phải chịu?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.