Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Đột phá cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Đặng Loan| 23/04/2018 07:15

(HNM) - Tại TP Hồ Chí Minh vừa diễn ra “Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2018”.


"Chìa khóa" cho sự phát triển


Là quốc gia có số lượng nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) phát biểu tại hội nghị cho biết, Hàn Quốc hiện có 6.610 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 58 tỷ USD, trong đó tại TP Hồ Chí Minh có 1.200 dự án. Kim ngạch thương mại hai nước dự kiến đạt 100 tỷ USD vào năm 2020, cho thấy tình hình giao thương giữa Việt Nam và Hàn Quốc rất tích cực.

Thành quả trên nhờ Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian vừa qua và tác động của hiệu lực Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. Dù vậy, ông Kim Heung Soo cũng đề xuất giải thích rõ một số vấn đề như bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài; phát triển ngành logistic, giảm chi phí logistic để doanh nghiệp có thể cạnh tranh và phát triển...

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty Furukawa Automotive Parts với 100% vốn Nhật Bản (Khu chế xuất Tân Thuận - TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phạm Thị Thu


Ông Onose, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAH) có một số kiến nghị liên quan Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quy định nhà sản xuất thực phẩm bổ sung một số thành phần dinh dưỡng đối với mặt hàng muối, bột mì, dầu thực vật; đề nghị các quy định về xây dựng cơ sở vật chất chứa và xử lý nước thải, các tiêu chuẩn về thông số kỹ thuật cần được cụ thể, hợp lý và rõ ràng để bảo đảm việc vận dụng quy định không bị sai và nhầm lẫn…

Ghi nhận những ý kiến chia sẻ cũng như góp ý trên, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, năm 2018 là năm đầu tiên thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Năm 2018 cũng là năm thành phố triển khai Đề án “Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” với 4 mục tiêu: Bảo đảm mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, phát triển bền vững; dịch vụ phát triển, môi trường sống tốt, hạ tầng, y tế, giáo dục tốt; người dân được chính quyền phục vụ tốt; người dân và tổ chức xã hội tham gia quản lý và giám sát.

Vì thế, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, thành phố coi sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là chìa khóa cho sự phát triển và hiệu quả phục vụ của bộ máy hành chính thành phố và kêu gọi sự đánh giá của doanh nghiệp về mức độ hài lòng hoặc không hài lòng để cải thiện tốt hơn.

Cam kết hỗ trợ doanh nghiệp

Trong năm 2017, có 1.008 dự án đầu tư nước ngoài được thành phố cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đạt gần 3,4 tỷ USD; có 2.357 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn đăng ký tương đương khoảng 2,22 tỷ USD. Trong 3 tháng đầu năm 2018, thành phố thu hút được 1,37 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá, các doanh nghiệp FDI đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển thành phố trong kim ngạch xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động… Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa cao, đầu tư FDI vào thành phố còn tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản.

Trên tinh thần cải thiện môi trường đầu tư, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, chính quyền thành phố đã xác định một số định hướng lớn giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, bảo đảm sự ổn định nhất quán các cơ chế chính sách đã đề ra trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Về thuế, phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp kê khai nộp thuế điện tử đạt 98%, tỷ lệ nộp đạt 90%. Về hải quan, giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa. Về đất đai, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sở hữu nhà và tài sản gắn với đất từ 57 ngày xuống còn 14 ngày đối với các tổ chức và doanh nghiệp.

Thành phố đã có tổ công tác liên ngành về đầu tư do Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng sẽ hỗ trợ và xử lý toàn bộ thủ tục về đầu tư cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, thành phố cũng sẽ thành lập tổ công tác liên ngành về đất đai để hỗ trợ mặt bằng, đất đai cho doanh nghiệp; cam kết bảo đảm mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật; cam kết công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp chỉ diễn ra 1 lần/năm.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định, mọi hoạt động của thành phố đều hướng tới hỗ trợ phát triển, không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp khi hoạt động tại TP Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Đột phá cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.