Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Ba nhóm giải pháp thu hút đầu tư

Nguyễn Lê| 10/08/2018 07:14

(HNM) - Dù TP Hồ Chí Minh đã đa dạng hóa hình thức thu hút đầu tư từ năm 2015 nhưng thời gian qua, các nhà đầu tư đến đây chủ yếu quan tâm hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT).


Huy động hàng chục nghìn tỷ đồng

Kể từ khi Nghị định 15/2015/ NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực (ngày 10-4-2015), đến nay TP Hồ Chí Minh có tổng cộng 20 dự án đầu tư theo hình thức PPP đã hoàn tất ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư khoảng 67.223 tỷ đồng. Trong đó, có 10 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, 9 dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) và 1 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - vận hành và sở hữu (BOO). Bên cạnh đó, thành phố có 105 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư 356.501 tỷ đồng đã có chủ trương cho nghiên cứu để triển khai thực hiện. Thành phố cũng đã xây dựng danh mục 98 dự án để kêu gọi đầu tư với tổng số vốn dự kiến 128.861 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh đang hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.


Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, tuy đối mặt với không ít khó khăn nhưng nguồn lực đầu tư từ bên ngoài khu vực nhà nước vẫn tiếp tục tăng trưởng trong những năm qua. Đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội nhưng vẫn giữ được nhịp tăng bình quân 2,1%/năm trong 5 năm qua.

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, trước thực trạng ngân sách ngày càng hạn hẹp, thành phố đã triển khai chương trình kích cầu đầu tư. Chương trình đã góp phần quan trọng trong việc giảm nguồn chi ngân sách đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị trên địa bàn. Đến nay, thành phố đã phê duyệt 683 dự án tham gia chương trình kích cầu đầu tư với tổng số vốn hơn 46.178 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách chỉ hỗ trợ hơn 2.998 tỷ đồng. Như vậy, bình quân 1 đồng ngân sách bỏ ra đã thu hút trên 15 đồng từ nguồn lực xã hội.

Hoàn thiện yếu tố “mềm”

Có thể thấy, TP Hồ Chí Minh đã vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư, đặc biệt là hình thức PPP. Tuy nhiên, thời gian qua các đơn vị và nhà đầu tư thường quan tâm hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Trong khi đó, hiện nay thành phố không có nhiều quỹ đất phục vụ mục đích xã hội hóa. Đặc biệt, mới đây Bộ Tài chính đã yêu cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước tạm dừng các dự án BT nên thành phố phải đa dạng hóa hơn nữa các hình thức đầu tư.

Theo các chuyên gia, ngoài đất đai, TP Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế trong thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Vấn đề nhà đầu tư quan tâm nhất vẫn là cơ chế, chính sách cũng như môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hiệu quả. Nếu hoàn thiện được yếu tố "mềm" này, thành phố sẽ gia tăng tính cạnh tranh trong thu hút nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ông Sử Ngọc Anh cho biết, trong kế hoạch huy động và sử dụng nguồn lực để đầu tư từ nay đến năm 2020, thành phố thực hiện ba nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất là huy động ngân sách, thứ hai là huy động nguồn lực từ đất đai, thứ ba là nguồn xã hội hóa. Với nhóm giải pháp thứ nhất, thành phố sẽ vận dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội để đẩy mạnh tăng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do thành phố quản lý; nguồn thu từ sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn; nguồn thu từ thuế, phí và lệ phí tăng thêm khi thực hiện thí điểm điều chỉnh tăng mức thu. Đặc biệt, thành phố sẽ đa dạng hóa các hình thức vay nợ như phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính và tín dụng...

"Đối với nhóm giải pháp thứ hai, thành phố sẽ xây dựng danh mục quỹ đất (ngân hàng quỹ đất), trong đó phân loại quỹ đất đã và chưa bồi thường giải phóng mặt bằng, quỹ đất thuộc sở hữu nhà nước để sẵn sàng đề xuất phương án xử lý, sử dụng cụ thể cho các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Với nhóm giải pháp này, phương châm của thành phố là gia tăng ở mức cao nhất giá trị đất, góp phần tăng nguồn thu trong bối cảnh nguồn lực này có hạn", ông Sử Ngọc Anh nhấn mạnh.

Đối với nhóm giải pháp thứ ba, thành phố đang quyết liệt hoàn thiện cơ chế, chính sách và xây dựng cơ chế tài chính minh bạch, phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, thành phố sẽ chú trọng các yếu tố khác để thu hút đầu tư như môi trường đầu tư, môi trường lao động, năng lực cạnh tranh và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP)...

Tại cuộc họp về kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2018 mới đây, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành quan tâm việc huy động nguồn vốn đầu tư theo hình thức mua bán và sáp nhập (M&A), bởi đây là lĩnh vực mà thành phố đang có thế mạnh. Điều này được minh chứng trong 7 tháng của năm 2018 khi thành phố đã thu hút hàng tỷ USD trong lĩnh vực này. Qua đó, người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu đẩy mạnh cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong năm 2019.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Ba nhóm giải pháp thu hút đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.