Đầu tư

Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện?

Hà Phong 20/08/2024 - 14:22

Đó là nội dung tọa đàm Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 20-8, với sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, năng lượng...

1.jpg
Các chuyên gia tham dự tọa đàm. Ảnh: PV

Đầu vào của mọi đầu vào

Là sản phẩm hàng hóa đặc thù, được coi là "đầu vào" của mọi "đầu vào", điện năng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Nhất quán quan điểm và yêu cầu "đảm bảo điện năng trong mọi tình huống", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo sát sao, trong đó nêu rõ nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là thúc đẩy đầu tư, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư vào sản xuất, cấp phát, phân phối điện.

3.jpg
PGS.TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng. Ảnh PV

Tuy nhiên, thực tế còn không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là những điểm chưa hợp lý về cơ cấu giá thành, cách tính giá điện hiện nay còn dưới giá thị trường trong bối cảnh giá đầu vào của ngành điện như than, dầu, khí... luôn biến động và chúng ta vẫn đang trên "lộ trình tính đúng, tính đủ giá bán điện trong nền kinh tế thị trường".

Trong khi các nguồn điện giá rẻ đã cơ bản hết tiềm năng phát triển, theo quy hoạch điện VIII, Việt Nam tập trung phát triển mạnh điện khí và điện gió ngoài khơi. Đây là hai loại hình có giá thành khá cao, đòi hỏi huy động lượng vốn lớn.

Thực tế cho thấy, EVN đã có những nỗ lực để hạ chi phí giá thành sản suất, kinh doanh, tuy nhiên, giá điện chưa hợp lý đã khiến ngành điện không có đủ nguồn lực để đầu tư, phát triển nhằm giảm giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối; khó thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để thu hút đầu tư vào ngành điện

Ở góc độ lập pháp, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, nếu thiếu tính thị trường trong nội dung cơ chế, chính sách thì rất khó có công cụ thúc đẩy bền vững. Tuy nhiên, điều rất mừng là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết; Quốc hội có chuyên đề giám sát về năng lượng; Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết liệt trong việc sửa đổi Luật Điện lực, xem xét lại Quyết định về giá bán điện...

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phân tích, một trong những khó khăn lớn trong thu hút đầu tư vào phát triển ngành điện là cần nguồn lực đầu tư lớn trong khi thời gian thu hồi vốn chậm, giá bán điện hiện nay vẫn còn tính "bao cấp", bù trừ. Cụ thể, toàn bộ chi phí đầu vào để sản xuất điện như than, khí, dầu, tỷ giá… đã theo thị trường. Thế nhưng giá đầu ra lại không phản ánh được những biến động của các chi phí đó; có lúc thì điều chỉnh quá lâu, có lúc điều chỉnh lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất, kinh doanh điện. Cho nên sản xuất, kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn.

Một bất cập nữa, cơ chế bù chéo giá điện hiện nay kéo quá dài và lộ trình xử lý không rõ ràng. Bù chéo ở đây là bù chéo giữa nhóm người tiêu dùng điện sinh hoạt với nhau - bậc cao bù cho bậc thấp, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt trong sản xuất ở mức độ nhất định. Và một điểm nữa là bù chéo về giá điện giữa các vùng miền. Điện ở các xã, huyện hải đảo thường 7.000 - 9.000 đồng/kWh, nhưng chúng ta vẫn bán 1.000 - 2.000 đồng/kWh, tức là lấy vùng thấp bù cho vùng cao... Chúng ta phải chấm dứt bù chéo trong giá điện và việc này cần đưa vào Luật Điện lực mới.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi - chuyên gia kinh tế năng lượng đề xuất, đầu tiên cần tính đúng, tính đủ trong chi phí mà hộ tiêu thụ gây ra cho hệ thống điện. Đồng thời, cố gắng tách bạch giữa hoạt động mang tính chất công ích và những hoạt động mang tính chất thị trường.

2.jpg
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động. Ảnh PV

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam) thông tin, nếu giá điện không tính đúng, tính đủ, ngành điện, doanh nghiệp điện có nguy cơ bị mất cân đối dòng tiền, tái đầu tư rất khó.

Ông Nguyễn Đình Tuấn đề xuất, liên thông điều chỉnh từ giá nhiên liệu đầu vào đến giá điện. Đặc biệt, như nhiệt điện than còn liên quan đến giá của các nguyên liệu và chuyển đổi, cần có cơ chế liên thông linh hoạt. Thứ hai, cần có một hệ thống truyền tải đảm bảo để có thể "cân" được nguồn từ các vùng, các thời điểm… Thứ ba là cơ chế mua bán điện.

Tuy nhiên, để giải quyết được những yêu cầu trên trong bối cảnh hiện tại, cần rất nhiều cơ chế và sự tham gia của nhiều ngành, đặc biệt là hành lang pháp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.