Công nghệ bán dẫn là lĩnh vực được thành phố Hà Nội ưu tiên thu hút đầu tư, bao gồm nghiên cứu, phát triển, thiết kế và sản xuất chíp...
Trong khuôn khổ hội nghị "Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á", hội thảo chuyên đề “Chiến lược công nghiệp bán dẫn, động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội” đã diễn ra hôm nay 3-12.
Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Khắc Lịch cho biết, theo Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu có 50.000 kỹ sư thiết kế chíp bán dẫn. Hiện tại, Việt Nam có 6.000 kỹ sư bán dẫn (tính cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Thêm nữa, nhiều trường đại học bắt đầu đẩy mạnh tuyển sinh ngành học này. Một yếu tố nữa là kinh nghiệm từ các công ty FDI, đó là tiến hành đào tạo lại và nâng cấp kỹ năng cho các nhân sự đang là kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ sư phần mềm, điện tử…Cũng theo ông Nguyễn Khắc Lịch, trong số 50.000 nhân lực bán dẫn, Tập đoàn FPT cam kết cung cấp 10.000 kỹ sư lĩnh vực này.
Đây cũng sẽ là lợi thế để Hà Nội thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Thủ đô.
Theo ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, phát triển công nghiệp bán dẫn đã được định hướng, quy định rõ tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội, và tại Luật Thủ đô 2024 (có hiệu lực vào ngày 1-1-2025).
Trong đó, tại Điều 42, Luật Thủ đô 2024, Hà Nội "thu hút nhà đầu tư chiến lược: Công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt, chip bán dẫn. Phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển”.
Các chính sách ưu đãi được quy định tại Điều 43 của Luật Thủ đô 2024. Đây là điều kiện quan trọng để thành phố Hà Nội có định hướng mạnh mẽ, hiệu quả, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn trên địa bàn.
Trong những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã, đang hoàn thiện, cơ chế, chính sách phù hợp; khuyến khích thu hút đầu tư công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, Hà Nội cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật...
Từ ngày 1-8-2023, thành phố Hà Nội chính thức quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, với quy mô diện tích 1.586ha. Hiện Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang thu hút các dự án đầu tư trong 4 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu mới.
Trong đó, công nghệ bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư, do vậy thành phố tập trung thu hút các dự án về nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế chip, khâu sản xuất chip có giá trị gia tăng cao và ít thâm dụng lao động. Hà Nội cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, tiếp xúc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư các nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.