(HNM) - Nhắc đến đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, nhiều người nhớ đến những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế của ông như “Thị xã trong tầm tay”, “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”…
Ông đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2007 cùng nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế. Tuy nhiên, như đạo diễn chia sẻ trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới dưới đây, danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2016 mà ông được TP Hà Nội trao tặng có ý nghĩa thật đặc biệt. Và dù sáng tác điện ảnh hay văn học ông vẫn luôn mang trong tim cảm xúc của một người Hà Nội.
- Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, ông đã vinh dự nhận nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế quý giá, nhưng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016 do TP Hà Nội trao tặng chắc hẳn có ý nghĩa đặc biệt?
- Tôi từng được nhận một số giải thưởng cũng như được vinh danh ở trong và ngoài nước, nhưng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016 có ý nghĩa đặc biệt bởi Hà Nội là nơi tôi đã từng gắn bó suốt 60 năm cuộc đời với rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Trong buổi lễ vinh danh, tôi rất xúc động khi được đứng cùng 8 “Công dân Thủ đô ưu tú” khác để nhận Bằng chứng nhận từ tay Bí thư Thành ủy Hà Nội và Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng. Em gái tôi gọi điện chúc mừng và nói rằng nếu cha tôi còn sống chắc ông sẽ rất hài lòng. Tôi cũng nghĩ như vậy. Cha tôi, Giáo sư Đặng Văn Ngữ, được TP Hà Nội sử dụng tên đặt cho một đường phố. Ông cũng là người gắn bó suốt đời với Thủ đô.
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. |
- Thưa đạo diễn, không phải lúc nào trong sáng tác, ông cũng đề cập trực diện tới Hà Nội, tuy nhiên chất Hà Nội luôn phảng phất trong các tác phẩm điện ảnh của ông. Có phải chính gia đình, ký ức tuổi thơ, nét văn hóa của Hà Nội đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho ông?
-Tôi sinh ra ở Huế. Tuổi thơ của tôi trôi qua ở Huế, nhưng Hà Nội là nơi tôi trưởng thành và gắn bó hầu như toàn bộ cuộc đời. Chất Hà Nội thấm vào tôi trước hết là qua những con người Hà Nội mà tôi được tiếp xúc, qua văn thơ viết về Hà Nội mà tôi được học từ trên ghế nhà trường, như truyện ngắn của Thạch Lam, tùy bút “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng... Cha mẹ tôi là người Huế nhưng ở Hà Nội lâu nên cũng thấm nhuần văn hóa Hà Nội, rồi truyền lại cho con cháu. Tất cả đều là nguồn cảm hứng cho những sáng tác của tôi sau này. Trong các phim tôi đã làm đều có bóng dáng trực tiếp, hoặc gián tiếp về Hà Nội… Dù làm phim hay viết văn, tôi luôn mang trong tim những cảm xúc của một người Hà Nội.
- Là một nhà điện ảnh, ông nghĩ đâu là những vấn đề nổi cộm mà điện ảnh cần tập trung phản ánh, góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh?
- Có rất nhiều việc mà Hà Nội cần phải làm và thành phố cũng đã làm được nhiều điều đáng ghi nhận để cải thiện đời sống của người dân, khiến Thủ đô ngày càng hấp dẫn hơn, đáng sống hơn. Tuy vậy, tôi vẫn mong Hà Nội có thêm không gian cho những hoạt động văn hóa. Đã bao năm rồi mọi sinh hoạt văn hóa kể cả các liên hoan phim đều diễn ra ở Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, trong khi đó, lẽ ra Hà Nội phải có một trung tâm văn hóa bề thế xứng tầm hơn. Đó là điều mà tôi quan tâm nhất.
- Khái niệm người Hà Nội nay cũng đã khác trước, dân số Hà Nội cũng đã tăng lên, và không ít công dân Hà Nội hôm nay cũng đến từ nhiều địa phương, mang theo nét văn hóa khác nhau. Là một “Công dân Thủ đô ưu tú”, ông có thể chia sẻ điều gì với những công dân Hà Nội nói chung để góp phần xây dựng Thủ đô phát triển và thực sự giàu bản sắc?
- Thủ đô phải là nơi hội tụ tinh hoa của mọi miền đất nước. Người dân các nơi đổ về sinh sống, lâu dần trở thành người Hà Nội. Có những nét văn hóa của người Hà Nội xưa dần phai nhạt, nhưng cũng có những giá trị mới được hình thành, bổ sung cho nét văn hóa, thanh lịch Thủ đô. Đó cũng là lẽ tất yếu của quy luật cuộc sống. Nếu để ý thì thấy ngoài những ồn ào của đời sống thời kinh tế thị trường vẫn còn đó những điều được lưu truyền từ đời này qua đời khác trong mỗi gia đình người Hà Nội và bộc lộ rõ nhất trong dịp Tết. Trong kiến trúc Hà Nội cũng vậy, chúng ta còn đó một Hồ Gươm với Tháp Rùa và cầu Thê Húc, Nhà hát Lớn, Phủ Chủ tịch,… - những nét đặc sắc không nơi nào có được. Đáng tiếc là Hà Nội từng có một tuyến đường tàu điện chạy dài từ chợ Mơ đến chợ Bưởi nhưng đã không còn. Chúng ta cũng cần học tập thế giới trong việc quan tâm lưu giữ những gì liên quan đến những ký ức tập thể.
- Thưa ông, ông có hài lòng với năm 2016 đã qua?
- Năm qua đối với tôi là một năm đáng nhớ: Trước hết là danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” mà tôi được thành phố trao tặng. Tiếp theo là được vinh danh tại Liên hoan Phim quốc tế Amiens (Pháp) với Giải Kỳ Lân Vàng danh dự cho toàn bộ sự nghiệp điện ảnh của tôi. Nhân dịp này, Liên hoan phim chiếu 8 phim truyện của tôi đã làm trong những năm qua, có phim làm cách đây hơn 30 năm và đều được khán giả đón nhận với rất nhiều thiện cảm. Ngoài ra, tôi cũng đã hoàn thành kịch bản phim truyện có tên là “Huyền nhiệm” về cuộc đời và sự nghiệp của cha tôi - Giáo sư, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người thuộc thế hệ trí thức đầu tiên đi theo cách mạng. Kịch bản đã được Hãng phim Khánh An (Thừa Thiên - Huế) trình lên Cục Điện ảnh để xin tài trợ kinh phí của Nhà nước, đồng thời huy động thêm các nguồn vốn xã hội hóa cho việc sản xuất phim. Tôi nghĩ đây cũng sẽ là một phim về Hà Nội, những con người Hà Nội…
- Cảm ơn ông! Kính chúc ông sức khỏe và xin chờ đợi bộ phim ý nghĩa này của ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.