Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tin tưởng quyết tâm chính trị trong chống tham nhũng

Hương Ly - Quốc Bình| 11/12/2017 06:43

(HNM) - Dư luận đang đặc biệt quan tâm việc khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Ðinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương)...

Bài học về sự sa ngã của cán bộ, đảng viên đã được nhắc đi nhắc lại không ít lần, nhưng dường như vẫn chưa thấm hết, chưa đem lại hiệu quả triệt để. Do đó, sau đây chúng ta cần làm tốt hơn công tác cán bộ, phải rà soát đội ngũ một cách kỹ càng, nghiêm minh để ngăn chặn kịp thời, không để cán bộ trượt dài trên những sai lầm của mình. Đây là việc cần thiết để không làm ảnh hưởng đến hoạt động điều hành đất nước, để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và cũng chính là cứu những cán bộ mắc sai phạm.

Từ bài học đắt giá này, theo tôi, cán bộ, đảng viên nếu có bị phê bình, xem xét kỷ luật phải nghĩ rằng đó là việc cần thiết để cứu mình, từ đó nghiêm túc tiếp thu, khắc phục. Có như vậy mới kịp thời dừng lại, không lỡ bước sa xuống “vực thẳm”. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng với phương châm không loại trừ một ai.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Chọn người tâm huyết, trách nhiệm để giao trọng trách

Tham nhũng là “giặc nội xâm” gây nhức nhối trong nhân dân. Với tổ chức, bộ máy hiện hành, chúng ta có thể làm tốt công tác chống tham nhũng với điều kiện phải chọn được những người có tâm huyết, có trách nhiệm, luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân để giao nhiệm vụ. Nếu chọn được những người như thế, tôi tin rằng, các tổ chức Đảng, đoàn thể… tạo nên sức mạnh, hạn chế tiêu cực. Khi đó, mọi nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng sẽ có những người lãnh đạo có lương tâm trong sáng, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân để triển khai thực hiện hiệu quả. Như vậy, dứt khoát sẽ giải quyết được căn bản nạn tham nhũng, tiêu cực, nhóm lợi ích, củng cố niềm tin của nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Phòng, chống tham nhũng có bước chuyển biến rất quan trọng

Trong lịch sử của Đảng ta, đã có Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, nhưng chỉ là xử lý kỷ luật về mặt Đảng. Trường hợp khởi tố, bắt tạm giam như ông Đinh La Thăng chưa có tiền lệ. Đây là minh chứng cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có bước chuyển biến rất quan trọng, trở thành xu thế. Đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, “lò” nóng lên rồi thì “củi” tươi cũng cháy, không ai đứng ngoài cuộc và không thể đứng ngoài cuộc.

Qua đây còn cho thấy, vấn đề xử lý sai phạm của cán bộ được làm từng bước, chặt chẽ, thận trọng, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ điều tra, không nóng vội hay chạy theo dư luận. Điều đó đã xóa bỏ tất cả băn khoăn của một số người rằng, phải chăng còn nhẹ tay, còn có vùng cấm. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh với những cán bộ của Đảng, Nhà nước, nhất là cán bộ giữ vị trí quan trọng.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an): Lời cảnh tỉnh sâu sắc với mọi cán bộ, đảng viên

Ba trường hợp nêu trên là những cán bộ từng được thử thách, rèn luyện qua nhiều chức vụ, cương vị công tác khác nhau, nhưng lại có những sai phạm nghiêm trọng đến mức bị kỷ luật, khởi tố, bắt tạm giam. Không ai có thể vui được khi đồng chí của mình rơi vào tình trạng này. Song, việc Trung ương xử lý như vậy là cần thiết bởi nếu không kịp thời chấn chỉnh, sẽ gây nguy hại tới uy tín của Đảng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

Việc xử lý nghiêm minh những trường hợp nêu trên thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; khẳng định tinh thần, mọi đảng viên đều bình đẳng trước pháp luật. Sự việc này là lời cảnh tỉnh sâu sắc với mọi cán bộ, đảng viên về yêu cầu phải thường xuyên trau dồi, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:Phải thu hồi được tài sản tham nhũng

Với quyết tâm của Trung ương và sự ủng hộ của cử tri cả nước, chắc chắn công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ đi tới đích. Đây là công việc không thể xử lý hết được trong một sớm một chiều, song qua vụ việc trên cho thấy Đảng ta nói đi đôi với làm.

Tuy nhiên, có một điều cần chú ý là chúng ta không chỉ xử lý cá nhân mà phải thu hồi khối tài sản tham nhũng trả lại cho Nhà nước, nhân dân, đó mới là ý nghĩa lớn của việc chống tham nhũng. Do đó, phải bổ sung ngay vào luật, quy định: Kiểm tra, xem xét, xử lý tài sản của những người cận huyết thống với người có hành vi tham nhũng. Con đường đi của tài sản tham nhũng rất phức tạp, chúng ta cần có bộ máy tinh thông nghiệp vụ, có thể tiếp cận được với hành vi chuyển dịch tài sản của kẻ tham nhũng để thu hồi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tin tưởng quyết tâm chính trị trong chống tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.