(HNMO) - Ngày 22-11, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề “Văn học, nghệ thuật tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái".
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh: Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật là một bộ phận của hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong nội bộ. Vì văn học, nghệ thuật là một bộ phận quan trọng của văn hóa, tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động, văn học, nghệ thuật luôn là mục tiêu lợi dụng để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, với chức năng, vai trò định hướng những giá trị nhân văn trong xã hội, đứng trước những hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nhà quản lý, giới văn học, nghệ thuật cần quan tâm đúng mức, phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, có nhiều tác phẩm giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, truyền tải nội dung, củng cố định hướng giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức cảnh giác cách mạng. Văn nghệ sĩ Thủ đô phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân, ý thức về vị trí, vai trò của mình trên con đường sáng tạo; nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận diện và chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác luận điệu xuyên tạc, thù địch; không mất cảnh giác để bị lừa, bị kích động, lôi kéo vào hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia thông qua văn học, nghệ thuật…
Những phương thức và hình thức chủ yếu để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái đã triển khai trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội) nêu rõ: Văn nghệ sĩ phải gắn bó với thực tế đời sống xã hội, nâng cao ý thức chính trị, lập trường tư tưởng phục vụ đất nước; phê phán những khuynh hướng sáng tác lệch lạc, thoát ly đời sống hiện thực; coi trọng công tác lý luận, phê bình trên nền tảng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; tăng cường, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước…
Nhà viết kịch Giang Phong (Hội Sân khấu Hà Nội) cho rằng, văn nghệ sĩ phải sáng tác hướng tới xây dựng hình mẫu tích cực về con người và sự kiện, thành quả mà Đảng và nhân dân kiên trì, phấn đấu đạt được, để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu, văn nghệ sĩ cũng nêu những khó khăn, thách thức trong việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đề xuất những ý tưởng về phương thức mới trong công tác này, như sử dụng công nghệ thông tin, môi trường mạng; điều hành tốt hệ thống báo chí, xuất bản, công bố tác phẩm; kiện toàn bộ máy tham mưu, giúp việc; động viên, khuyến khích, trao giải thưởng sáng tác tốt...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.