Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Mùa xuân - nói về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

TS Lê Thị Chiên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 03/02/2024 12:56

Tính đến mùa xuân năm nay - năm 2024, Đảng ta tròn 94 tuổi. Thực tiễn khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

bao-3.jpg
Họp báo phát động “Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư - năm 2024”.

Những thành tựu đó càng khiến chúng ta cần thiết phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để gia tăng thêm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng ta luôn trường tồn cùng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhu cầu tự thân

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã xác định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng bởi chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết khoa học và cách mạng. Đó chính là “vũ khí lý luận” sắc bén của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp mình và toàn xã hội.

Do đó, trên hành trình tìm đường cứu nước, khi khảo cứu những tư tưởng cách mạng khác nhau, Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Đó chính là một trong những điểm khởi đầu trên hành trình đến với chủ nghĩa Mác - Lênin của Nguyễn Ái Quốc để rồi chính Người đã tích cực truyền bá học thuyết chân chính và cách mạng ấy về Việt Nam.

Nhờ có sự truyền bá của chủ nghĩa Mác - Lênin, cách mạng Việt Nam đã từng bước chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và phương pháp cách mạng. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 là một mốc son chói lọi đánh dấu bước chuyển về chất của cách mạng Việt Nam - từ đây, cách mạng nước ta đã có một tổ chức chân chính lãnh đạo.

Không chỉ lấy chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng, xuất phát từ yêu cầu khách quan, từ Đại hội VII (năm 1991), Đảng ta đã bổ sung tư tưởng Hồ Chí Minh là một thành tố quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) được thông qua tại Đại hội VII đã xác định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động”. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định ở các kỳ Đại hội sau này và được quy định rõ trong Hiến pháp cũng như các văn kiện chính trị quan trọng của Đảng.

Trong 94 năm qua, cùng với việc lãnh đạo đất nước đấu tranh giải phóng dân tộc và tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng trước sự chống phá quyết liệt của các phe phái phi mácxít, các phần tử phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước. Đó là những lực lượng có sự khác biệt, thậm chí mâu thuẫn về lập trường chính trị, ý thức hệ giai cấp hoặc luôn có mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ngày càng trở nên tinh vi, quyết liệt hơn lúc nào hết. Chúng đã lợi dụng những lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tiến hành các hoạt động chống phá trên internet và mạng xã hội, tạo ra môi trường đấu tranh mới.

Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch đã lợi dụng chính một bộ phận cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trong đó có không ít người từng giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc có tầm ảnh hưởng trong xã hội có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tập hợp thành “ngọn cờ” chống phá Đảng. Có không ít người đã bị lôi kéo, mua chuộc, câu dẫn bởi những thông tin sai trái, lệch lạc nên tự động rời bỏ khỏi hàng ngũ hoặc có những hành động chống phá Đảng từ bên trong; hoài nghi, bôi nhọ, xuyên tạc về Đảng.

Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ sức chiến đấu của Đảng, để Đảng luôn vững vàng về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hiện nay. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhu cầu tự thân, như một lẽ tất yếu, tự nhiên!

Trách nhiệm không của riêng ai

Như tinh thần của Nghị quyết số 35-NQ/TƯ (ngày 22-10-2018) nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta, trong đó, các cơ quan báo chí, tuyên truyền các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm không của riêng ai!

Cho đến nay, Nghị quyết số 35-NQ/TƯ đã được ban hành hơn 5 năm và tạo ra những bước phát triển về chất cả trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Có thể nói, hiếm có một nghị quyết nào có sức lan tỏa rộng và tạo được những dấu ấn nổi bật như Nghị quyết số 35-NQ/TƯ.

Nếu như trước đây, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được triển khai chủ yếu trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn học - nghệ thuật nên thu hút chủ yếu sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ thì nay, khi không gian được mở rộng sang môi trường internet và mạng xã hội, đã có sự tham gia đông đảo của nhiều lực lượng, trong đó có nhiều giai tầng trong xã hội, tạo thành một mạng lưới rộng khắp.

Điển hình cho sự tham gia đó là trên nhiều fanpage, group trên mạng xã hội về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, có sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân chia sẻ thông tin tích cực, bình luận, đấu tranh với những thông tin sai trái, tiêu cực. Ấn tượng hơn cả là những cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở các cấp đã thu hút sự tham gia đông đảo của không chỉ cán bộ, đảng viên, mà cả quần chúng nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài… Đó chính là một thước đo đủ sức tin cậy để thấy rằng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một nhiệm vụ thiêng liêng, chính đáng, đã nhận được sự ủng hộ, chung tay góp sức của đông đảo quần chúng nhân dân.

Để tham gia ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn vào nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trước hết, mỗi tổ chức Đảng cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên ý thức trách nhiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao năng lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tạo động lực và truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên thông qua việc thực hành cơ chế “nêu gương” của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần ý thức sâu sắc phương châm: “Còn Đảng là còn mình”, bởi Đảng vừa là tổ chức lãnh đạo, vừa là người giáo dục, rèn luyện để mỗi chúng ta ngày càng trưởng thành, phát triển. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần được xác định là một nhu cầu tự thân, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của dân tộc cũng như sự phát triển của bản thân mỗi người.

Các tầng lớp nhân dân cũng cần xác định rõ Đảng mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng là tương lai của dân tộc, bởi ngoài Đảng ra, không có một lực lượng chính trị nào có thể tập hợp ý chí và nguyện vọng của cả dân tộc và lãnh đạo được nhân dân giành được những thắng lợi to lớn như lịch sử đã ghi dấu.

Mùa xuân - mùa khởi đầu của một năm với bao điều tốt đẹp ở phía trước. Mùa xuân cũng là dịp mừng Đảng ta thêm một tuổi mới với những bước phát triển mới. Mùa xuân nói về việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để chúng ta thêm niềm tin và sức mạnh, ý chí và bản lĩnh tiếp tục kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - “kim chỉ nam” cho mọi hành động cách mạng của Đảng ta! Tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc ta sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức để gặt hái được nhiều thành công mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mùa xuân - nói về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.