(HNM) - Nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là mục tiêu chung của tất cả các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, nhất là khi chưa có thứ hạng mong muốn trong năm 2017.
Bởi lẽ, PAPI không đơn giản chỉ là kết quả một cuộc điều tra xã hội học thông thường với các con số thống kê đơn thuần, mà có ý nghĩa quan trọng là “chỉ số đo lòng dân”. Chính sự hài lòng của người dân mới là mục tiêu phấn đấu quan trọng nhất của hệ thống chính quyền.
Theo báo cáo PAPI năm 2017, đối với một số chỉ số nội dung, Hà Nội vẫn còn những hạn chế nhất định khi người dân phản hồi không tốt trong đánh giá về tham nhũng trong khu vực công ở địa phương, những cảm nhận chưa tốt về quan hệ lao động việc làm trong khu vực công, hay chất lượng dịch vụ bệnh viện công tuyến huyện... Những vấn đề tưởng như rất nhỏ ở cơ sở lại chính là “điểm trừ” trong mắt người dân. Điều này đã thôi thúc Hà Nội phải phấn đấu.
Liên tiếp các Kế hoạch số 177/KH-UBND, rồi Kế hoạch số 69/KH-UBND về cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của thành phố được ban hành, với 6 nhiệm vụ rất rõ ràng, cụ thể đối với các cấp, ngành, đơn vị. Hà Nội đặt mục tiêu Chỉ số PAPI năm 2018 "xếp nhóm trung bình" của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; và mục tiêu đến năm 2020 có 80% tổ chức, người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính.
Dĩ nhiên, muốn người dân hài lòng thì phải cải cách từ những thứ gắn với dân nhiều nhất. Đó là những vấn đề liên quan đến đời sống hằng ngày, gắn với các dịch vụ công, thủ tục hành chính như: Điện, nước, giáo dục, hộ khẩu, đất đai, y tế, cấp phép xây dựng, thủ tục khai sinh - khai tử... Điều người dân cần là dễ dàng, thuận lợi tiếp cận các dịch vụ công thay vì vẫn còn bị hạch sách, nhũng nhiễu. Cải cách quy trình thủ tục sao cho mọi việc minh bạch; người dân được tiếp cận thông tin rõ ràng, biết phải làm gì, đi tới đâu, gặp ai, tiến hành những công đoạn nào...
Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; bảo vệ người dân khi thực hiện việc tố cáo hành vi tham nhũng. So sánh các chỉ tiêu cấu thành chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” cho thấy, sự cải thiện rõ rệt qua từng năm. Điều này là minh chứng rõ ràng việc người dân đang ủng hộ và hài lòng với công cuộc phòng, chống tham nhũng.
Chủ trương, chính sách đã rõ, nhưng để thu được kết quả như ý, khâu thực hiện giữ vai trò vô cùng quan trọng. Để đạt mục tiêu, từng cơ quan, đơn vị của thành phố cần có nhận thức, sự quan tâm đúng mức tới nhiệm vụ này, xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI phù hợp với điều kiện địa phương.
Xác định bắt đầu từ việc công khai, minh bạch, tăng cường quan tâm về việc giải trình, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó đồng hành với người dân. Mỗi đơn vị cũng cần tạo lập văn hóa học hỏi kinh nghiệm, ý thức cạnh tranh lành mạnh, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền “kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải từng chỉ rõ: "Kết quả chấm điểm là những tín hiệu để tự chúng ta đánh giá mình, tự chấn chỉnh mình và phải khắc phục". Vì thế, việc cải cách phải thực chất. Trong đó thước đo duy nhất là mức độ "phục vụ dân" phải tốt hơn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.