(HNM) - Chiều 7-3, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “Tăng cường an sinh xã hội và các dịch vụ công nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động”.
Ý kiến trao đổi của các đại biểu trong nước, quốc tế tại tọa đàm thống nhất cho rằng, muốn thúc đẩy phụ nữ tham gia sâu hơn vào thị trường lao động, Việt Nam cần bổ sung chính sách an sinh xã hội, mở rộng dịch vụ công.
Vượt nhiều chỉ tiêu, nhưng chưa hết rào cản
Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong những năm qua, phụ nữ và trẻ em gái ở nước ta được hỗ trợ, bảo vệ bằng khung pháp lý và hệ thống chính sách quốc gia về an sinh xã hội. Nổi bật là chính sách thúc đẩy việc làm bền vững và giảm nghèo; chính sách trợ giúp xã hội; chính sách bảo đảm về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, nhờ đó, phụ nữ và trẻ em gái có nhiều cơ hội để phát triển. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp ở Việt Nam đạt 31,3%, xếp thứ 6/57 quốc gia được xếp hạng. Lao động nữ tham gia thị trường lao động đạt hơn 71%, góp phần tạo ra nhiều của cải vật chất, tinh thần cho xã hội...
Việt Nam có tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp thấp hơn nam giới. Ảnh: Linh Ngọc |
Đồng tình với nhận định trên, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) dẫn chứng, trong tổng số hơn 1,6 triệu lao động được tạo việc làm mới trong năm 2018, lao động nữ chiếm 48%. Số lượng lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài, được hỗ trợ việc làm trong nước liên tục tăng; tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp giảm còn 1,85%, thấp hơn nam giới. Các mô hình hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ ở khu vực nông thôn, miền núi, lao động nữ di cư tiếp tục phát huy hiệu quả.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật, các ý kiến trao đổi tại tọa đàm đã chỉ rõ, lao động nữ ở nước ta vẫn còn nhiều rào cản để có thể tiến sâu hơn vào thị trường lao động. Ở góc độ chính sách, một số quy định về điều kiện làm việc, nghỉ ngơi dành cho lao động nữ còn những điểm chưa thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình triển khai. Cụ thể, Điều 159, Bộ luật Lao động hiện hành chỉ cho phép lao động nữ được nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội trong trường hợp nuôi con dưới 6 tháng tuổi và chăm con dưới 7 tuổi ốm, mà không ghi nhận quyền tương đương cho lao động nam. Hơn nữa, điều luật này chưa nhất quán với quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, cho phép tất cả người lao động nghỉ có hưởng bảo hiểm xã hội khi nuôi con dưới 6 tháng tuổi và chăm con ốm dưới 7 tuổi. Ngoài ra, Bộ luật Lao động hiện hành cũng chưa quy định cụ thể về đào tạo nghề, hỗ trợ an sinh xã hội, bình đẳng cơ hội cho người lao động.
Trong thực tế, do những định kiến về giới còn tồn tại, đa số phụ nữ Việt Nam, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, miền núi phải làm những công việc không được trả lương nhiều hơn nam giới. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động xã hội tuy cao, song tỷ lệ qua đào tạo còn thấp. Đáng lo hơn, lao động nữ đang chiếm tỷ lệ cao ở những ngành, nghề nặng nhọc, trình độ thấp, dễ bị máy móc thay thế…
Tạo điều kiện tốt nhất cho lao động nữ
Bà Eliza Fernandez, Trưởng đại diện của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã tham gia Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau từ năm 1997. Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Bộ luật Lao động (năm 2012) đều nhất quán mục tiêu không phân biệt đối xử trên cơ sở giới, bao hàm cả yếu tố cơ hội việc làm. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; đồng thời thúc đẩy phụ nữ tham gia vào thị trường lao động.
Phụ nữ làm công việc đơn giản đứng trước nguy cơ mất việc làm cao. Ảnh: Mạnh Hà |
Cho rằng phụ nữ Việt Nam sẽ có nhiều thời gian làm việc xã hội hơn, nếu có dịch vụ công hỗ trợ, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khuyến nghị, các ngành, địa phương quan tâm mở rộng, nâng cấp hệ thống đường sá, trường học, bệnh viện, phương tiện giao thông công cộng, cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc người già, dịch vụ trợ giúp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại… Ngoài ra, Việt Nam cần bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc hoàn thiện luật pháp, chính sách bảo hiểm xã hội, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tới mọi đối tượng…
Từ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ di cư, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (Light) phản ánh: “Hiện nay, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hấp dẫn lao động nữ di cư, nên rất khó mở rộng diện bao phủ đến đối tượng này. Để phụ nữ tham gia sâu hơn vào thị trường lao động, chính sách bảo hiểm tự nguyện đối với nhóm lao động di cư cần được bổ sung”.
Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nhằm bảo đảm công bằng cho lao động nữ, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã dành một chương riêng quy định các vấn đề liên quan đến lao động nữ. Dự thảo đề xuất các phương án về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu người lao động bị ngược đãi, bị quấy rối tình dục hoặc bị cưỡng bức lao động. Trong một số trường hợp, lao động nữ mang thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Với người sử dụng lao động, họ không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người nghỉ việc theo chế độ thai sản, cũng không được bố trí làm việc ban đêm, làm thêm giờ…
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhiều lần cảnh báo, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, lao động nữ làm những công việc giản đơn đứng trước nguy cơ mất việc làm. Để thích ứng với thời cuộc, hy vọng những rào cản đối với lao động nữ sớm được quan tâm, tháo gỡ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.