Lao động - Việc làm

Linh hoạt, đa dạng hình thức hỗ trợ thị trường lao động qua các phiên giao dịch việc làmBài 2: Phát huy hiệu quả các phiên giao dịch việc làm trực tuyến

Mai Hoa thực hiện 26/01/2024 - 09:45

Việc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thái Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ tổ chức “Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố” vào ngày 18-1-2024 có ý nghĩa quan trọng, góp phần chia sẻ và liên thông về dữ liệu thị trường lao động, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng đáp ứng các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới để làm rõ nội dung này.

bai2-vuquangthanh.jpg
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành.

- Ông có thể chia sẻ đánh giá về hiệu quả hoạt động tổ chức Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố vừa qua?

- Việc tổ chức Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố đã được thực hiện từ vài năm qua, thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong quá trình vận hành, kết nối thực hiện, góp phần hỗ trợ tối đa cho cả doanh nghiệp và người lao động trong công tác tuyển dụng và tìm kiếm việc làm.

Phát huy kết quả đạt được, ngay trong tháng 1-2024, Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố tiếp tục được tổ chức vào ngày 18-1 vừa qua, với sự vào cuộc của Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thái Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ.

Có tới 23.255 chỉ tiêu tuyển dụng của 154 đơn vị, doanh nghiệp tham gia phiên này. Trong số hơn 23,2 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng, các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh có nhu cầu tuyển nhiều lao động nhất với 6.115 chỉ tiêu của 33 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng. Tiếp đó là Ninh Bình (25 doanh nghiệp, đăng ký tuyển dụng 4.222 chỉ tiêu), Bắc Ninh (3.693 chỉ tiêu của 8 doanh nghiệp), Bắc Giang (3.499 chỉ tiêu của 10 doanh nghiệp), Thái Bình (3.278 chỉ tiêu của 22 doanh nghiệp)…

Tại Hà Nội, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Phiên Giao dịch việc làm đồng bộ trên hệ thống Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội, bao gồm Sàn Trung tâm tại số 215 Trung Kính và 14 Sàn Giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 876 lao động, trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng - đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất (38,9), với tổng số 341 lao động. Phiên giao dịch việc làm này có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, uy tín tại các tỉnh, thành phố: Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam, Công ty cổ phần Mediamart Việt Nam, Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Finance Việt Nam, Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam, Công ty cổ phần Viễn thông FPT…, tuyển dụng các vị trí: Trưởng phòng kinh doanh, nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng, kế toán, nhân viên kỹ thuật, lễ tân…

bai2-tuvantructuyen.jpg
Hỗ trợ kết nối phỏng vấn trực tuyến.

Thông qua việc kết nối tuyển dụng, phỏng vấn tuyển dụng trực tuyến, rất nhiều lao động đã tìm kiếm được việc làm phù hợp tại phiên này. Việc tuyển dụng trực tuyến cũng hỗ trợ rất nhiều cho các địa phương có nhiều khu công nghiệp, nhà máy cần tuyển dụng nhân lực với số lượng lớn như Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Với sự phối hợp chuẩn bị tốt của các Trung tâm Dịch vụ việc làm, bám sát thông tin thị trường lao động năm 2024, Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố phía Bắc đã góp phần nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu tại Sàn giao dịch việc làm, tạo cơ hội việc làm cho tất cả người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như 9 tỉnh, thành phố phía Bắc.

- Việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực và tổ chức vận hành các yếu tố của thị trường lao động để có sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường lao động. Là người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Phát huy hiệu quả các phiên giao dịch việc làm trực tuyến là việc làm cần thiết, góp phần nhằm triển khai Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 10-1-2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Thực tế thời gian qua cho thấy, Hà Nội đã triển khai bộ công cụ quản lý điều hành sàn giao dịch việc làm trực tuyến tại hệ thống 15 sàn giao dịch việc làm hiện có rất hiệu quả. Hệ thống các mẫu biểu báo cáo được thiết kế thống nhất đã tạo thuận tiện trong việc thống kê báo cáo khi kết thúc một phiên giao dịch việc làm, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến cho phép cán bộ quản trị tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm quản lý hiệu quả quá trình kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp.

Cùng với đó, việc tổ chức Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành khu vực phía Bắc là một “bước chạy đà” cần thiết, tạo sự liên thông, thuần thục trong vận hành, sẵn sàng tiến tới triển khai công cụ quản lý điều hành sàn giao dịch việc làm trực tuyến trên địa bàn cả nước. Nó có ý nghĩa quan trọng trong kết nối, bảo đảm thông suốt cung - cầu lao động của hệ thống sàn giao dịch việc làm các tỉnh, thành phố, trước mắt là tại 9 tỉnh, thành, lâu dài là kết nối trong cả nước.

bai2-tuvan.jpg
Tư vấn tuyển dụng cho người lao động.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức phiên giao dịch việc làm là một trong các giải pháp hữu hiệu phát triển thị trường lao động. Từ thực tiễn hoạt động của Trung tâm trong công tác này, theo ông, chúng ta cần làm gì để hoạt động này tiếp tục phát huy tính ưu việt trong thời gian tới?

- Thực tế thời gian qua cho thấy, để phát huy tính tích cực về việc kết nối online, đồng thời hạn chế tính thiếu đồng bộ là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ kết nối chưa cao, Trung tâm đã thực hiện triển khai đồng bộ sử dụng bộ công cụ quản lý phỏng vấn Online Google Meet tại 15 Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm, đồng thời phối hợp tổ chức triển khai và kết nối với các đơn vị phối hợp (Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận huyện...) khi tổ chức các Phiên giao dịch việc làm lưu động hoặc các Phiên giao dịch việc làm trực tuyến tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Vì vậy, năm 2024, Trung tâm đặt mục tiêu tổ chức tốt, hiệu quả 256 Phiên giao dịch việc làm, trong đó, đẩy mạnh hiệu quả các phiên trực tuyến, kết hợp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và cung cấp thông tin thị trường lao động, chú trọng đối tượng lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, phấn đấu nâng cao tỷ lệ giải quyết việc làm cho người lao động.

- Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Linh hoạt, đa dạng hình thức hỗ trợ thị trường lao động qua các phiên giao dịch việc làm Bài 2: Phát huy hiệu quả các phiên giao dịch việc làm trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.