(HNM) - Theo thông tin mới nhất, Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng Đề án Quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội (QH), HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã hoàn thiện báo cáo số 393- TTr/BCĐ (Dự thảo đề án). Nếu đề xuất này được Bộ Chính trị và QH đồng thuận, việc giám sát chất lượng cán bộ chủ chốt sẽ đi vào thực chất hơn.
Đề xuất 3 mức độ bỏ phiếu
Dự thảo đề án (do Phó trưởng BCĐ xây dựng đề án, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu ký duyệt), kiến nghị quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm cần được thực hiện một cách dân chủ, khách quan, công khai, thận trọng, khoa học. Hai phương án xem xét nhân sự được đưa ra xin ý kiến. Phương án thứ nhất, quy định người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm bao gồm những chức vụ chủ chốt của đất nước như: Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của QH, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước… (49 người). Ở phạm vi HĐND, số lượng lấy phiếu tối đa 20 người đối với HĐND cấp tỉnh, 12 người đối với HĐND cấp huyện và 7 người đối với HĐND cấp xã.
Ở phương án hai, người được lấy phiếu tín nhiệm gồm toàn bộ những người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn, với tổng số lên tới 430 người. Tương tự, việc lấy phiếu đối với những người giữ các chức vụ do HĐND bầu ở cấp tỉnh là khoảng 50 - 65 người, cấp huyện khoảng 20 - 30 người, cấp xã là 5 - 7 người.
Dù theo cách nào cũng có hai tiêu chí cơ bản làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ, đó là việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc. Mức độ thể hiện sự tín nhiệm được chia 3 cấp: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ theo định kỳ hằng năm hoặc 2 lần trong một nhiệm kỳ (vào giữa và cuối nhiệm kỳ) tùy thuộc vào việc xem xét, quyết định của QH, Bộ Chính trị. Nếu một người sau 2 lần có số phiếu tín nhiệm dưới 50%, có thể phải bỏ phiếu bãi, miễn nhiệm.
Mặc dù thận trọng đưa ra nhiều mô hình mở về quy trình, thủ tục bỏ phiếu, nhưng riêng về đối tượng lấy phiếu, BCĐ nghiêng về hướng thực hiện đối với các chức danh chủ chốt (phương án 1). Lý do đưa ra là: sẽ bảo đảm tính khả thi, không dàn trải, tránh hình thức. Thế nhưng, khi được thông tin về chủ trương này, không ít chuyên gia pháp luật cho rằng "chưa hợp lý".
Cần có cơ chế cho văn hóa từ chức
Theo luật sư Nguyễn Thành Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) bỏ phiếu tín nhiệm không phải là "đổi mới". Nói đúng ra là lần này QH, Chính phủ, Bộ Chính trị quyết thực hiện cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức QH từ cách đây 10 năm nhưng hiện vẫn bế tắc trong triển khai. Cho đến nay, chưa từng có đề nghị nào của đại biểu QH về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện. Vì vậy, lần này cần có quy trình đơn giản, khả thi để có thể triển khai dễ dàng trên diện rộng nhằm đánh giá thực chất năng lực cán bộ. Trong đó, một trong những khâu quan trọng cần hướng dẫn song song là việc cung cấp thông tin như thế nào để đại biểu QH, HĐND có cơ sở thuận lợi để đánh giá, thể hiện mức độ tín nhiệm một cách chính xác, công bằng, không cảm tính.
Cần khẳng định, đó là một đề xuất có lý. Kinh nghiệm cho thấy, sự giám sát của TƯ với các bộ, ngành, tỉnh, thành phố về công tác nhân sự hiện nay phần nào còn hạn chế. Khi có "sự cố", vụ việc tiêu cực xảy ra, rất khó xác định trách nhiệm cá nhân của nhiều vị trí chủ chốt. Do đó, cần xem xét, bỏ phiếu đánh giá cán bộ trên diện rộng (phương án 2) theo định kỳ. Kết quả thu được sẽ góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước đánh giá chính xác, hiệu quả hơn đạo đức, trình độ của 100% người giữ chức vụ quyền hạn do QH, HĐND bầu. Từ đó, kịp thời đưa ra khỏi hàng ngũ những người không đủ tài, đức, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp.
Tuy nhiên, khi đã quyết tâm thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm để có cơ chế sàng lọc cán bộ, nên chăng BCĐ cũng cần tính tới văn hóa từ chức. Vì khi một người có sai lầm lớn hoặc phải chịu trách nhiệm về một khuyết điểm lớn trong công việc của ngành, địa phương mình, nếu không từ chức thì trước sau cũng bị cách chức. Chọn giải pháp từ chức là chọn con đường nhẹ nhàng hơn cho cả QH và cho bản thân mình. Từ chức cũng thể hiện bản lĩnh chính trị cao, đồng thời nó cũng là kết quả sức ép cơ chế miễn nhiệm của QH mà nhiều nước đang triển khai.
Về 3 mức độ tín nhiệm như đề án trình (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp), cần thu gọn ở mức "có tín nhiệm" hay "không tín nhiệm" chứ không nên có nhiều phương án. Vì quy trình càng đơn giản, rõ ràng, càng tránh rơi vào tình trạng nhận xét hình thức và cảm tính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.