(HNM) - 1. Trong công tác cán bộ, khâu đánh giá cán bộ là tiền đề, có ý nghĩa quyết định đối với các khâu khác của quy trình cán bộ, nhất là lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ... Do đó, có đánh giá cán bộ chính xác mới có thể nâng cao được chất lượng cán bộ. Có cán bộ chất lượng mới nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đem lại lòng tin trong người dân.
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” chỉ ra rằng, vẫn còn tình trạng nể nang, cục bộ trong đánh giá cán bộ… Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” cũng khẳng định, đánh giá cán bộ chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn nể nang, dễ dãi, định kiến…
Bước vào nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương xuống địa phương, công tác đánh giá cán bộ đã có chuyển biến tích cực. Nhiều cấp ủy cấp tỉnh đã tổ chức “chấm điểm” cán bộ, đánh giá cán bộ hằng tháng, thậm chí hằng tuần; đánh giá cán bộ đa chiều... Tuy nhiên, ở một số nơi, đánh giá cán bộ còn thiếu thực chất, không ít trường hợp được bổ nhiệm “thần tốc” sau đó lại phải thu hồi quyết định. Cán bộ được điều động, luân chuyển chưa “ấm chỗ” đã phải điều động, luân chuyển đi nơi khác…
Mới đây, Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 17-11-2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” đã xác định một trong những nhiệm vụ giải pháp quan trọng hàng đầu để đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là phải khắc phục hạn chế, yếu kém, hình thức trong đánh giá cán bộ.
2. Để khắc phục, Trung ương chỉ ra rằng, đánh giá cán bộ phải toàn diện, chặt chẽ, thực chất, khách quan, nhiều chiều. Cùng với phẩm chất, bản lĩnh chính trị, ý thức, trách nhiệm, uy tín trong tập thể, trong nhân dân, phải đặc biệt chú trọng kỹ năng công tác, chất lượng, hiệu quả công việc được giao, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đây là những định hướng quan trọng, cần thiết. Thực tế ở một số cấp ủy địa phương, trong đó có Hà Nội, công tác đánh giá cán bộ đã cụ thể hóa cơ bản những định hướng nêu trên, thậm chí có những mặt còn đi trước làm gương.
Hà Nội là một trong những cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên ban hành Quy định về đánh giá cán bộ hằng tháng trong cả hệ thống chính trị. Đây là bước đi có tính đột phá giúp việc đánh giá cán bộ thường xuyên và sát với thực tế công việc hơn. Dù vậy, xác định Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc ban hành “Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” còn hạn chế; ngày 28-10-2021, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quyết định số 1841-QĐ/TU có nội dung tương tự để thay thế. Ngày 16-8-2022, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục ban hành các Quyết định số 3251-QĐ/TU và Quyết định số 3252-QĐ/TU nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1841-QĐ/TU và Quy chế về việc quản lý, khai thác và sử dụng phần mềm đánh giá cán bộ hằng tháng.
Với những đổi mới, hoàn thiện quy định đánh giá cán bộ nêu trên, Hà Nội đã đưa công tác đánh giá cán bộ ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm thực chất, tạo động lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Cụ thể, về nguyên tắc, Hà Nội quy định rõ, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hằng tháng phải bảo đảm dân chủ, chính xác, khách quan, công khai, minh bạch; công bằng, công tâm và không mang tính hình thức, nể nang, trù dập, thiên vị; bảo đảm đúng thẩm quyền đánh giá. Cấp nào, người nào trực tiếp lãnh đạo, giao việc, thì đồng thời thực hiện nhận xét, đánh giá, xếp loại. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định việc xếp loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Việc đánh giá, xếp loại phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ về tiến độ và chất lượng, sản phẩm cụ thể...
Đánh giá cán bộ có thể xây dựng thang điểm 100 gắn với từng tiêu chí, nội dung, nhiệm vụ, kế hoạch công tác cụ thể. Đánh giá cá nhân phải gắn với tập thể, có quy định rõ các trường hợp cụ thể như: Cơ quan, đơn vị và tổ chức, bộ phận trực thuộc cơ quan, đơn vị được đánh giá “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì tỷ lệ các cá nhân được đánh giá, xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 20-25% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Tỷ lệ này giảm dần tương ứng với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể được đánh giá...
Đánh giá cán bộ không chỉ gắn với chức trách, nhiệm vụ, vị trí việc làm, với thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, thường kỳ, mà còn phải gắn với nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, cấp bách; lấy thước đo là những sản phẩm, công trình cụ thể. Có như vậy mới tạo được sức ép thôi thúc tinh thần trách nhiệm của cán bộ. Hà Nội đã từng lấy hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 để đánh giá cán bộ; đặc biệt vừa qua tiếp tục chỉ đạo lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công làm căn cứ đánh giá...
Trong tất cả các khâu, phải rất coi trọng vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Bởi cách làm đã có, nhưng mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là người thực hiện, mà người thực hiện quan trọng nhất lại là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.