Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng: Cán bộ, đảng viên cần tâm huyết, trách nhiệm hơn trong công việc

Bảo Hân| 02/07/2018 09:28

(HNMO) - Sáng 2-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND thành phố cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, 1/2 chặng đường của năm 2018. Hội nghị không chỉ đánh giá, phân tích tình hình, làm rõ những kết quả đạt được mà đặc biệt là nhận diện được những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và những nguy cơ mà việc điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của đất nước phải đối mặt; từ đó đề ra các giải pháp khắc phục kịp thời trong những tháng cuối năm.

Đánh giá khái quát 6 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phát triển theo hướng tích cực và có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011. Cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ, gồm nông nghiệp, dịch vụ thương mại và sản xuất công nghiệp, trong đó nông nghiệp tăng cao nhất...

Cũng theo Thủ tướng Chính phủ, đáng mừng nhất là an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện. Số hộ thiếu đói 6 tháng giảm mạnh; tỷ lệ thất nghiệp thấp; bộ máy và biên chế có tiến bộ so với cùng kỳ. Ở tất cả các lĩnh vực đều có những diễn biến tích cực, tạo không khí phấn khởi làm ăn kinh doanh trong toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, người dân.

"Nói chung, nhà đầu tư, người dân đều yên tâm sản xuất. Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội nhận định, đa số người dân ghi nhận chuyển biến tích cực về đối thoại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống tham nhũng, lãng phí đã tăng. Đặc biệt, 91% người dân tin tưởng vào công tác phòng chống tham nhũng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đánh giá, nhiều ngành, nhiều địa phương năng động sáng tạo trong phát triển, đóng góp cho đất nước. Nhiều lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đã quyết liệt, năng động, trách nhiệm cao trong việc tìm ra lối đi, cách làm để phát triển khu vực mình trong khuôn khổ pháp lý của Đảng và Nhà nước...

"Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đạt được kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Đây là thành quả quan trọng cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới, nhất là sự tâm huyết, trách nhiệm, lăn xả trong công việc của nhiều cán bộ, đảng viên" - Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu ra 3 vấn đề còn gây bức xúc hiện nay.

Vấn đề đầu tiên là thiên tai rình rập, không chỉ với Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai mà còn ở nhiều các tỉnh phía Nam hay miền Trung... với có diễn biến phức tạp.

Thứ hai, vấn đề nổi lên trong thời gian vừa qua về an ninh trật tự. Sự việc diễn ra trong hai ngày 10 và 11-6 vừa qua ở Bình Thuận là kinh nghiệm chung cho các địa phương khác trên cả nước để giữ gìn cuộc sống bình yên của người dân. "Chúng ta có đủ khả năng, đủ điều kiện để lập lại trật tự xã hội, tạo ra cuộc sống bình yên cho nhân dân, để đất nước phát triển, đi lên", Thủ tướng lưu ý.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, vụ việc này cho thấy còn có địa phương chủ quan. Thủ tướng lưu ý vấn đề này với các địa phương bởi trật tự an ninh xã hội là vấn đề quan trọng, kiên quyết tạo môi trường đầu tư ổn định, phát triển xã hội.

Tồn tại thứ ba là những vấn đề xã hội bức xúc mà qua họp Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến như vấn đề an toàn giao thông; xâm hại trẻ em; bạo lực học đường; an toàn vệ sinh thực phẩm; vệ sinh trường học, bệnh viện; tham nhũng, lợi ích nhóm, đề bạt cán bộ... đang diễn ra làm nhức nhối trong quản lý xã hội.

"Chúng ta không để bức xúc kéo dài, gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân trong đối thoại, trong xử lý nhưng chúng ta phải lập lại kỷ cương đất nước, dân chủ với số đông, với nhân dân nhưng phải kiên quyết xử lý những kẻ xấu, cầm đầu..." - Thủ tướng nhấn mạnh.

Với riêng vấn đề phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị cần tập trung thảo luận để có thông tin rõ hơn về sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm; có giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát ở một số lĩnh vực; cải thiện tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư được đánh giá còn yếu, chậm; thúc đẩy tăng trưởng ở một số ngành, lĩnh vực...

Sau phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo tóm tắt các nội dung: Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; xây dựng Chính phủ điện tử; tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra của Tổ công tác 6 tháng đầu năm.

Theo chương trình làm việc, Hội nghị dự kiến sẽ kết thúc vào 18h30 cùng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Cán bộ, đảng viên cần tâm huyết, trách nhiệm hơn trong công việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.