Chính trị

70 năm vang mãi hào khí Điện Biên Phủ Bài 3: Phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền biên giới

Nhóm phóng viên 24/04/2024 08:37

Điện Biên, Lai Châu - hai tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đặc biệt là những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền hai địa phương tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân và làm tốt công tác giữ đất, giữ dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là khu vực biên giới.

lai-chau.jpg
Một góc Công viên hồ Thủy Sơn, thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu). Ảnh: Tuấn Điệp

Điện Biên tận dụng thế mạnh để phát triển

Những năm trở lại đây, tỉnh Điện Biên tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó khích lệ tinh thần vươn lên phát triển kinh tế của người dân và hình thành một số vùng sản xuất tập trung với trên 10.000ha. Tỉnh cũng đã rà soát, phân loại để cơ cấu các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương gồm 11 nhóm thuộc những lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản.

Việc thực hiện cơ cấu lại, cơ cấu kinh tế ngành có sự chuyển dịch rõ nét theo hướng hiệu quả hơn. Ngoài cung cấp lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu dân sinh, nông nghiệp của tỉnh đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến thời điểm này, Điện Biên đã phê duyệt cấp chủ trương đầu tư cho 14 dự án trồng cây mắc ca với quy mô 69.406ha; tiếp tục duy trì, khai thác có hiệu quả các loại cây công nghiệp dài ngày.

bai3-a1.jpg
Một góc hợp tác xã trồng dâu tây của anh Hoàng Văn Gián tại Mường Phăng, tỉnh Điện Biên. Đây là điểm thu hút khách du lịch trải nghiệm hái dâu tây khi đến thăm khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng.

Xu hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch ngày càng được khuyến khích, mở rộng. Điển hình trong số này phải kể đến Hợp tác xã Dâu tây Mường Phăng do anh Hoàng Văn Gián làm chủ nhiệm nằm sát Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Anh Gián vốn là người “đất dâu tây” Mộc Châu (tỉnh Sơn La). Sau khi lên định cư ở đất Mường Phăng được vài năm, nhận thấy khí hậu, đồng đất thuận lợi, anh triển khai mô hình trồng dâu tây kết hợp du lịch trên diện tích 1.000m2. Lứa đầu tiên cho thu hoạch khá hiệu quả nên sau đó, anh mở rộng diện tích trồng dâu lên hơn 2ha; tạo thu nhập hàng tỷ đồng và việc làm cho hơn chục lao động trên địa bàn.

Đặc biệt, với thế mạnh vùng đồi núi, thuận lợi cho chăn nuôi, hiện tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân của Điện Biên tăng 3,49%/năm. Dọc tuyến đường từ Điện Biên đến Lai Châu có khá nhiều cánh đồng, trang trại rộng lớn.

Chúng tôi dừng chân tại quán của bà Lò Thị Thanh, ở bản Cò Chạy (xã Mường Pồn, huyện Điện Biên). Ngoài mở quán bán hàng, bà cùng người con trai út còn nuôi hơn 100 con bò, 7 con trâu, chưa kể một đàn dê và đàn gà. Bà Lò Thị Thanh chỉ xuống 2 cái ao và khoe với chúng tôi: “Nhà tôi vừa bỏ ra hơn 270 triệu đồng thuê người đào 2 cái ao này để thả cá đấy”. Bà tính sơ sơ, mỗi con bò có giá trị 15-20 triệu đồng, chưa kể 3 xe ô tô, trong đó 1 chiếc 29 chỗ cho cậu con trai cả chạy chở khách…

bai3-a2.jpg
Bà Lò Thị Thanh là hộ làm kinh tế giỏi tại bản Cò Chạy, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên.

Ngoài phát triển kinh tế hộ, Điện Biên còn xây dựng và phát triển thành công 33 chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống.

Trong đó, phải kể đến chuỗi liên kết trồng rau an toàn vừa giảm chi phí sản xuất nhưng cho sản lượng cao và lợi nhuận tăng 30-35 triệu đồng/ha… Đến nay, toàn tỉnh đã có 72 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh. 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó 30 sản phẩm chế biến từ nông nghiệp như, chè, cà phê, mắc ca, gạo được người tiêu dùng ưa chuộng.

Lai Châu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, du lịch

Cùng với tỉnh Điện Biên, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng quy mô vùng, nhằm khai thác hiệu quả diện tích đất nông nghiệp hơn 526.000ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên.

Tỉnh đã quy hoạch 3 vùng kinh tế, gồm: Vùng kinh tế động lực quốc lộ 32, 4D; vùng kinh tế nông, lâm nghiệp sinh thái sông Đà; vùng kinh tế cao nguyên Sìn Hồ. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cụ thể hóa thành các nghị quyết, chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp.

bai3-a3.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lai Châu (tỉnh Lai Châu) Đặng Quang Trung.

Tại thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đặng Quang Trung cho biết, cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản lên 125 triệu đồng/năm, thành phố đẩy mạnh phát triển du lịch. Riêng quý I-2024, thành phố đón 63.190 lượt khách du lịch, doanh thu đạt 85 tỷ đồng.

Đặc biệt, thành phố đã tập trung xây dựng bản San Thàng - nơi sinh sống của hơn 70 hộ gia đình người dân tộc Giáy trở thành bản du lịch cộng đồng. Điểm nhấn ở đây là những nếp nhà gỗ lợp mái ngói đã cũ màu thời gian ẩn hiện dưới những tán cây xanh mát mắt, những lối đi lát toàn đá, hai bên đường là dãy tường đá điểm xuyết hoa cỏ xanh tươi...

Giáp với tỉnh Điện Biên, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) có 17 xã, thị trấn, trong đó 12 xã biên giới. “Chúng tôi xác định là địa bàn biên giới, phên dậu của Tổ quốc, nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh cùng với phát triển kinh tế để giữ vững ổn định vùng biên hết sức quan trọng”, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Trần Bảo Trung cho biết.

Hướng đi mà Phong Thổ đang triển khai là phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung và phát triển du lịch cộng đồng, du lịch cảnh quan thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh thu hút các nguồn lực hỗ trợ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương này đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của mình, trong đó có thủy điện. Huyện đã quy hoạch 32 dự án thủy điện, đến nay, có 11 dự án đang được triển khai.

bai3-a5.jpg
Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) Trần Bảo Trung.

Với lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Trần Bảo Trung cho biết đang tập trung phát triển các cây trồng chủ lực như cây quế (trồng được hơn 700ha), nhất là vùng chè cổ thụ. Với độ cao hơn 2.600m so với mực nước biển, chè ở đây rất ngon, nhiều nhà đầu tư ở Hà Nội đã tham gia thành lập hợp tác xã để chế biến chè. Ngoài ra, Phong Thổ đang xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị từ cây ăn quả với các loại cây như chanh leo, xoài, nhãn… mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân.

Một trong những mô hình điểm chúng tôi có dịp ghé thăm đó là vườn nho Hạ Đen tại bản Vàng Pó, huyện Phong Thổ. Anh Ngô Mạnh Luân, quản lý kỹ thuật của vườn cho biết, ban đầu, nhà vườn chỉ dám trồng thử nghiệm khoảng 3 sào, tương đương 400-500 gốc nho, nay sau hai năm, diện tích mở rộng lên hơn 1ha và các cây nho đã cho thu hoạch những lứa đầu tiên, mỗi năm 2 vụ: Tháng 6 và tháng 12. Bình quân mỗi vụ, nhà vườn thu được 4-5 tấn quả, giá bán từ 120.000 đến 250.000 đồng/kg tùy loại, đem lại thu nhập cho công nhân với mức lương 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Dù mỗi địa phương có cách làm khác nhau, song điều Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu đang nỗ lực thực hiện, đó là tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, đoàn kết phát triển kinh tế - xã hội, đưa Điện Biên, Lai Châu sớm trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đặc biệt là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

(Còn nữa)

Quý I-2024, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDRP) tỉnh Điện Biên ước tăng 6,07%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 5.813,21 tỷ đồng, tăng 15,63%; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 777 tỷ đồng, tăng 1,48 lần so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 25,68%, giảm 4,67% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Điện Biên có trên 11.000ha lúa chất lượng cao như: Séng cù, Bắc thơm số 7, J02, Hana 102, nếp…, trong đó giống Bắc thơm số 7 được cấp chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” và mã truy xuất nguồn gốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
70 năm vang mãi hào khí Điện Biên Phủ Bài 3: Phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền biên giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.