(HNM) - Hai buổi ra mắt vở cải lương
Một cảnh trong vở cải lương “Ni sư Hương Tràng”. |
Với khán giả yêu nghệ thuật cải lương còn nhớ vở diễn "Vua Phật" của Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt cách đây 2 năm, thì "Ni sư Hương Tràng" lần này là phần tiếp nối về cuộc đời và sự nghiệp của vị vua xuất chúng ấy, nhưng được nhìn từ câu chuyện về con gái ngài - công chúa Huyền Trân.
Vở diễn bắt đầu ở thời điểm Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã là người xuất gia, đi khắp nơi để truyền đạo. Ngài tới đất Chiêm Thành kết tình bang giao và chia sẻ Phật pháp. Mối duyên trời định giữa quân vương Chiêm Thành - Chế Mân và công chúa Đại Việt - Huyền Trân cũng khởi nguồn từ đây, khi vị vua trẻ của Chiêm Thành thấy bức tranh vẽ người con gái "sắc nước, hương trời" của Trúc Lâm đại sĩ (Trần Nhân Tông). Nhưng phải đến vài năm sau, khi đã tin tưởng vị vua tài trí Chế Mân có thể che chở cho con gái mình và công chúa cũng bằng lòng vượt khỏi "vòng tay ấp yêu của mẹ hiền" để làm dâu xa xứ, trở thành "đại sứ" cho tình bang giao thì ngài mới quyết định gả con gái cho Chế Mân.
Với tài năng, đức độ và lòng yêu chuộng hòa bình, Huyền Trân công chúa nhận được tình yêu thương, chia sẻ của quốc vương Chế Mân - người luôn coi nàng như tri âm, tri kỷ. Vị vua ấy luôn biết an ủi, vỗ về công chúa mỗi khi nàng nhớ Hoàng thành Thăng Long, "nhớ cánh chim trời tìm về tổ ấm", "nhớ hồi trống trận phụ hoàng xuất quân"… Họ đã có những tháng ngày đẹp đẽ, cùng ngắm hoa thưởng trăng, chia sẻ gánh nặng việc nước.
Nhưng Huyền Trân cũng gặp không ít khổ sở khi vấp phải sự thù ghét của chánh cung hoàng hậu, các phi tần và tể tướng Chiêm Thành. Họ dùng nhiều thủ đoạn để hãm hại nàng. Không may, người rất mực yêu thương và bảo vệ nàng là Chế Mân lại sớm ra đi sau một âm mưu giết vua. Nàng giữ được mạng sống nhờ được vua cha cứu về Đại Việt, nhưng thêm một lần đau đớn khi phải chia lìa con trai mới sinh.
Sau bao biến cố, Huyền Trân nhận thấy Phật giáo có thể giúp mình tĩnh tâm, không hoài phí tuổi xuân trong sầu não. Nàng đã tìm gặp vua cha để xin được xuất gia, lấy pháp danh là Hương Tràng. Không chỉ công phu tu hành, ni sư Hương Tràng còn trồng nhiều loại cây thuốc chữa bệnh cho dân, dạy dân chúng làm nghề thủ công, trồng trọt, chăn nuôi… Tiếng thơm còn lưu mãi đến ngày nay.
Từ một câu chuyện mang đậm màu sắc chính trị với những sự kiện lịch sử cách đây nhiều thế kỷ, tác giả kịch bản - Tiến sĩ Bùi Hữu Dược và đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật thấm đượm tinh thần nhân văn và gần gũi với đời sống hiện đại.
NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ: “Bên cạnh việc tiếp tục khẳng định tầm vóc của Phật hoàng Trần Nhân Tông, vở diễn còn làm nổi bật hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trung hậu, giỏi giang, hết lòng hy sinh cho hòa bình, tình hữu nghị”.
Các diễn viên đều để lại dấu ấn với người xem, phô bày vẻ đẹp của nghệ thuật cải lương thông qua tiếng ca, lời thoại, hành động... Một lần nữa, nghệ sĩ Quang Khải lại “hy sinh mái tóc” để vào vai Vua Phật. Diễn xuất của anh ngày một chắc, trở thành điểm tựa để các vai khác vút lên. Minh Hải vào vai Chế Mân và Như Quỳnh vào vai Huyền Trân, cả hai đều có lối diễn khá thăng hoa, ngọt ngào, uyển chuyển và đã lấy được không ít nước mắt của khán giả.
Phần lớn bối cảnh của vở diễn đều là Chiêm Thành và NSƯT Doãn Bằng đã thiết kế một sân khấu huy hoàng với nhiều nét đặc trưng của vùng đất Chăm thời bấy giờ. Âm nhạc được viết bởi NSND Thanh Hải - cây đại thụ của làng cải lương phía Nam, càng khiến vở diễn nuột nà, mềm mại. Trang phục, đạo cụ của diễn viên cũng được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng.
Tuy cách triển khai vở diễn không có sự đổi mới táo bạo để gây bất ngờ cho người xem, nhưng với nội dung và lối diễn đi vào lòng người, “Ni sư Hương Tràng” đã thành công, gửi trọn thông điệp về tình yêu hòa bình và ý thức, trách nhiệm xây dựng cuộc sống chung trong tình hữu nghị, đoàn kết giữa các dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.