Dù sắp bước qua tuổi 80 nhưng NSND Thanh Tuấn vẫn giữ được giọng ca đầy nội lực và đi biểu diễn phục vụ công chúng khắp nơi. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với giọng ca “Nhớ Nha Trang” để hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp cùng tâm tư, nguyện vọng của ông.
- Thưa NSND Thanh Tuấn, suốt chặng đường biểu diễn hơn 60 năm, đến thời điểm hiện tại, điều gì khiến ông cảm thấy hạnh phúc nhất?
- Đối với một người nghệ sĩ, điều hạnh phúc nhất đối với họ là được khán giả thương mến, được biểu diễn. Tôi cũng vậy, đã gần 80 tuổi rồi nhưng vẫn còn được khán giả yêu thương. Điều bất hạnh của người nghệ sĩ là không được tung hoành trên sàn diễn. Nếu không có khán giả thì chúng tôi không thể biểu diễn được. Đó là niềm vui và cũng là động lực để tôi tiếp tục biểu diễn.
- Ông có cảm xúc gì khi đến tuổi U80 mà vẫn biểu diễn cùng đồng nghiệp, tái hiện những vở cải lương "để đời" bằng những vai diễn mang đậm dấu ấn trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật?
- Như tôi đã nói, được đứng trên sân khấu là hạnh phúc rồi. Vì bạn diễn của mình đã có nhiều người nằm xuống, có nhiều người vì lý do sức khỏe mà phải giã từ sân khấu. Cũng vì lẽ đó mà khi được gọi bằng tên những nhân vật mà mình từng vào vai như A Khắc Chu Sa, Chu Văn An, Đại úy Huy Bình..., tôi vui lắm. Vui vì còn gặp bạn diễn, còn được biểu diễn. Nhớ lại những ngày hoàng kim của cải lương, nhớ hình ảnh cố NSND Diệp Lang, cố NSƯT Thanh Sang..., tôi rất xúc động. Tôi cố gắng để tái hiện lại, vì chẳng còn nhiều cơ hội nữa, có tuổi rồi.
- Khi ông và đồng nghiệp biểu diễn lại những tuồng kinh điển của cải lương, khán giả vẫn say mê. Nhưng, thực tế cho thấy, nhiều nghệ sĩ hay từ chối đóng lại những vai diễn đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Họ sợ sẽ làm mất đi ấn tượng của vai diễn ngày xưa, bởi nhiều lý do. Ông có nghĩ thế?
- Điều đó thì ai cũng ngại. Vì lớn tuổi rồi, nếu phải diễn lại những lớp tỏ tình, tán tỉnh, trêu hoa ghẹo nguyệt thì không phù hợp nữa. Chưa kể đến chuyện ngoại hình bị thời gian tàn phá, phải đảm nhiệm những vai cũ thì thực sự khó diễn tròn trịa. Nhưng, vì khán giả vẫn thương mình và yêu những nhân vật mà mình từng vào vai nên tôi dốc sức để tái hiện. Chỉ mong sao khán giả thông cảm cho mình, đừng nghĩ gì về tuổi tác của người nghệ sĩ.
- Sau đại dịch, ông đã mở một trung tâm dạy ca cải lương và có một phòng thu ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Động lực nào đã thôi thúc ông làm điều ấy?
- Tôi đã ấp ủ dự án này từ năm 2018 nhưng sau đại dịch Covid-19 thì mới thực hiện được. Vì tôi thấy nhiều người thích ca cải lương nhưng không có nhiều điều kiện để học một cách bài bản. Hơn nữa, tôi muốn truyền lại kinh nghiệm của bản thân trong mấy mươi năm qua. Mục đích là để những người yêu ca cổ có thể học tập và ca vọng cổ một cách thuần thục. Bài ca vọng cổ vốn đã hay, các em có giọng ca, tôi truyền thêm kinh nghiệm của mình cho các em, để tôn thêm vẻ đẹp của bài vọng cổ.
- Phương pháp dạy của ông có gì khác so với Đại học Sân khấu - Điện ảnh và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang?
- Phương pháp của tôi khác với hai cơ sở trên ở chỗ tôi không dạy "vỡ lòng" nữa. Tôi chỉ dạy nhịp, rồi hướng dẫn cách ca, cách xử lý bài ca sao cho đẹp, rồi cho học những trích đoạn và những bài tân cổ. Tôi cũng truyền dạy cách diễn xuất. Cốt yếu vẫn là dạy cho học viên cách thể hiện bài vọng cổ thật có hồn, lớp lang bài bản, hướng dẫn các em tự nghiên cứu.
- Rất nhiều nghệ sĩ như NSND Diệp Lang, Thành Được, NSND Kim Cương, NSƯT Diệu Hiền… đã chọn “nghỉ hưu” khi bước qua tuổi thất thập. Vì sao đã gần 80 tuổi mà ông vẫn lựa chọn biểu diễn và mở lớp dạy ca cổ cải lương?
- Ai cũng muốn phục vụ khán giả, nhưng vì lý do sức khỏe nên nhiều người phải nghỉ ngơi. Chừng nào tắt lửa tàn hơi, khán giả chê giọng ca của mình thì tôi sẽ tự động rút lui. Còn khán giả vẫn hoan nghênh thì dù hát miễu, hát đình, đám cưới hay trên sân khấu lớn, tôi cũng không từ nan. Mọi việc làm đều vì tôi yêu cải lương và muốn giữ gìn nét văn hóa đẹp đẽ của quê hương mình.
- Là một nghệ sĩ tài danh và xa quê hương Quảng Ngãi nhiều năm, ông có mong muốn có một liveshow tại quê nhà?
- Từ lúc trẻ, tôi đã ấp ủ dự định ấy nhưng có quá nhiều trở ngại. Cho đến cuối đời, nếu có được nguồn kinh phí tài trợ, còn đủ sức phục vụ bà con ở Quảng Ngãi mình, tôi nhất định sẽ mời tất cả bạn diễn là những nghệ sĩ lão thành, và cả thế hệ nghệ sĩ trẻ về quê mình. Tôi sẽ thực hiện một liveshow để kỷ niệm hơn 60 năm sống chung với “người tình” cải lương.
- Xin cảm ơn NSND Thanh Tuấn! Chúc ông thật nhiều sức khỏe!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.