Văn nghệ

Vở cải lương “Vì nghĩa nước non”: "Lát cắt" hấp dẫn từ đề tài lịch sử

Thụy Du 21/07/2023 11:03

Vở diễn “Vì nghĩa nước non” - một trong những dự án quan trọng của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã hoàn thành và ra mắt khán giả.

Khai thác về đề tài lịch sử, một giai đoạn hào hùng của dân tộc nhưng vở cải lương lại chọn được lát cắt nhẹ nhàng, sâu lắng qua câu chuyện về công chúa An Tư của nhà Trần, đem đến cho người xem một tác phẩm nghệ thuật vừa hấp dẫn vừa chứa đựng nhiều bài học lịch sử.

img_2411.jpg
Vở diễn tái hiện cuộc đời và sự hy sinh của công chúa An Tư.

Tôn vinh người phụ nữ

Vở cải lương “Vì nghĩa nước non” do tác giả Trần Hồng Vân viết kịch bản, Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Chi chuyển thể cải lương, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn, lấy bối cảnh thời nhà Trần trong cuộc chiến đấu chống quân Nguyên xâm lược lần thứ hai. Vở diễn khai thác cuộc đời công chúa An Tư, một trong 2 công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử nhà Trần với cuộc hôn nhân mang tính trọng đại vì đất nước.

Công chúa An Tư là em vua Trần Thánh Tông và là cô ruột của vua Trần Nhân Tông. Cùng là công chúa đi hòa thân nhưng có lẽ, số phận của công chúa An Tư thăng trầm hơn rất nhiều so với công chúa Huyền Trân. Bởi nếu công chúa Huyền Trân được đưa đến Chiêm Thành lấy vua Chế Mân trong hòa bình theo hôn ước của hai nước, được phong làm hoàng phi thì công chúa An Tư lại ngậm ngùi làm thiếp của Thoát Hoan - tướng giặc chỉ huy quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ hai, nhằm kìm hãm quân giặc, cứu đất nước trong lúc gian nguy.

Công chúa An Tư đã bí mật gửi tin tức về tình hình quân Nguyên cho nhà Trần để giúp tìm kế phản kích. Đặc biệt, công chúa còn biến mình thành ngọn lửa sống để dẫn đường cho quân nhà Trần biết chỗ ở của Thoát Hoan mà tấn công, khiến hắn phải chui vào ống đồng tháo thân về nước…

Trong các sách lịch sử, tư liệu công chúa An Tư không nhiều, nhưng tác giả và ê kíp đã chọn lọc, khai thác, kết nối để mang đến một câu chuyện đầy đặn, thuyết phục về công chúa An Tư và sự hy sinh quên mình cho xã tắc sơn hà.

img_1120-1-.jpg
Công chúa An Tư đã gạt bỏ tình riêng để trọn nghĩa với nước non.

Từ kịch bản này của tác giả Trần Hồng Vân, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai cũng từng dàn dựng vở diễn cho Nhà hát Chèo Hà Nội với tựa đề “Trung trinh liệt nữ” cách đây 3 năm và đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 5 năm 2022. Đã thành công như thế, nhưng Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai vẫn tiếp tục dàn dựng chính kịch bản này trên sân khấu cải lương ở nơi mình công tác với cương vị Phó Giám đốc, bởi đạo diễn tài hoa này có “vũ khí” hóa giải.

Cách tân hợp với khán giả hôm nay

Lý giải về việc tiếp tục dàn dựng trên sân khấu cải lương, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ, khi nhận được kịch bản này, bà thấy có sự đồng cảm lớn với nhân vật chính, công chúa An Tư, sự đồng cảm của những trái tim phụ nữ dành cho nhau. Ở sân khấu cải lương, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai tiếp tục dành nhiều tâm sức nghiên cứu để đem lại một sáng tạo mới mẻ.

“Với tác phẩm gắn với lịch sử, tôi cố gắng nghiên cứu thật kỹ để không đi sai đường. Sau đó, từ các chi tiết dã sử, chưa được khẳng định, chúng tôi sáng tạo, khai thác bằng trí tưởng tượng với tố chất của nghệ sĩ để xây dựng tác phẩm trở nên lãng mạn, bay bổng trong ngôn ngữ của cải lương”, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai nói.

Theo đạo diễn, câu chuyện về công chúa An Tư rất thuận lợi khai thác ở thể loại cải lương. “Cuộc đời bà vừa có yếu tố lãng mạn, vừa có yếu tố bi kịch, khi bà phải hy sinh tình riêng, dâng trọn cho non sông xã tắc. Là công chúa “lá ngọc cành vàng”, giữa lúc đất nước nguy nan, có một người phụ nữ đứng ra nhận trọng trách lớn như vậy rất đáng tôn vinh, để thế hệ hôm nay hiểu hơn và trân trọng”, nữ đạo diễn tài năng cho biết.

img_2479-1-.jpg
Vở cải lương được dàn dựng hấp dẫn, đẹp mắt.

Vở diễn được dàn dựng cho Đoàn truyền thống của nhà hát nên đạo diễn vẫn trung thành với mảng miếng truyền thống, khai thác thế mạnh âm nhạc của cải lương. Tuy nhiên, để phù hợp với thị hiếu khán giả hiện nay, đạo diễn đã đẩy nhanh tiết tấu hơn.

Lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc áo phượng, đạo diễn xử lý sân khấu rất gợi. Tà áo phượng khổng lồ được thể hiện theo phong cách của múa rối, biến hóa liên tục, khi thì thể hiện tấm trinh tiết bị xé rách trong đêm hợp cẩn, lúc lại là con thuyền vượt sóng, lúc là ngọn lửa cháy rừng rực… Cộng với màu sắc ánh sáng uyển chuyển, các tạo hình trên sân khấu vừa chứa đựng nhiều thông điệp, vừa hấp dẫn khán giả bởi sự đẹp mắt.

Là đạo diễn đã định hình phong cách nữ tính, mềm mại riêng có của sân khấu cải lương phía Bắc, cũng như những tác phẩm khác, “Vì nghĩa nước non” không chỉ chiêu đãi những tạo hình ấn tượng mà còn thỏa mãn người xem ở những màn ca cải lương. Nữ đạo diễn tâm sự, bà luôn mong muốn khán giả được thưởng thức nhiều nhất có thể vẻ đẹp của cải lương và may mắn trong vở diễn này có được dàn diễn viên đam mê, hết lòng vì nghệ thuật truyền thống, đã tập luyện không ngừng nghỉ ngày 3 buổi trong nắng nóng khắc nghiệt của Hà Nội thời gian qua.

Vở diễn có sự góp mặt của các giọng ca được yêu quý: Nghệ sĩ ưu tú Mạnh Hùng, Nghệ sĩ ưu tú Hồng Hạnh, nghệ sĩ Thùy Dung, Lê Tuấn, Văn Thuận, Vũ Long… Trong đó, nghệ sĩ Thùy Dung, có chiều cao lý tưởng 1,76m, gương mặt khả ái và giọng hát ngọt ngào, từng đoạt 7 huy chương Vàng và Bạc trong các kỳ hội diễn, đã tạo được dấu ấn cho nhân vật công chúa An Tư lần này.

Vở cải lương “Vì nghĩa nước non” sẽ được biểu diễn phục vụ khán giả Thủ đô và nhiều địa phương trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vở cải lương “Vì nghĩa nước non”: "Lát cắt" hấp dẫn từ đề tài lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.