(HNM) - Bất ổn tại Trung Đông, Bắc Phi, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn các yếu tố rủi ro, biến đổi khí hậu và nghèo đói tiếp tục là những thách thức xã hội lớn lao…
"Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo", chủ đề xuyên suốt bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn LHQ vì thế đã gây ấn tượng đặc biệt. Thông điệp được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra không chỉ là tinh thần hòa hiếu đầy tính nhân văn từ một đất nước từng bị chiến tranh và đói nghèo tàn phá, mà còn thể hiện rõ những nỗ lực của Việt Nam như một thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ.
Là một quốc gia nhỏ bé nhưng phải liên tiếp trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược, thật khó có thể tin rằng đất nước bên bờ Thái Bình Dương đã phải hứng chịu hơn 15 triệu tấn bom đạn, gấp 4 lần số bom đạn đã sử dụng trong Thế chiến II và trung bình mỗi người Việt Nam gánh trên vai số bom đạn gấp 10 lần trọng lượng cơ thể mình. Hơn ai hết, dân tộc Việt Nam thấm thía những mất mát của chiến tranh, những nỗi đau của ly tán. Vì vậy, lời kêu gọi chống chiến tranh của nhà lãnh đạo Việt Nam đã có sức lan tỏa và hiệu ứng đặc biệt. Không phải là lời hô hào, lập trường hòa bình của Việt Nam là tiếng nói xuất phát từ những đau thương có thật, từ lịch sử giữ nước nhiều gian nan và nhận thức về sự cần thiết phải ngăn chặn bàn tay bạo lực khỏi đời sống nhân loại.
Sau những thăng trầm của lịch sử chính trị thế giới, thế kỷ XX được ghi dấu bởi hai cuộc thế chiến và nhiều xung đột khác, xu thế hòa hoãn như một vận động tích cực đã giúp ngăn chặn những cuộc chiến tranh tổng lực ở quy mô lớn. Song, một sự thật là những xung đột ở tầm khu vực hay ở một số quốc gia riêng lẻ vẫn đang diễn ra và trở thành ngòi nổ có thể chôn vùi ước mơ hòa bình chính đáng của nhân loại bất cứ lúc nào. Nguy cơ bạo lực rình rập ở nhiều nơi cho chúng ta thấy rõ những thử thách đang đặt ra với ngôi nhà chung thế giới, đồng thời cũng trao cho mỗi quốc gia trách nhiệm cao cả và nặng nề trong việc gìn giữ hòa bình. Chỉ cách đây vài tuần, dư luận quốc tế gần như đã cạn hy vọng về việc có thể ngăn chặn một cuộc chiến tranh tại Syria. Nhưng ngay khi một giải pháp hiệu quả được đưa ra, bánh xe vô tình của bạo lực đã tạm ngừng những vòng quay chết chóc. Như thế để thấy rằng, chỉ cần có thiện chí, lòng tin và mong muốn hợp tác, đốm lửa nhỏ nhoi nhất của hòa bình cũng có thể bừng sáng. Việt Nam cũng như những quốc gia yêu chuộng hòa bình luôn luôn tin tưởng sâu sắc rằng, với tình đoàn kết, sự tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế… nhân loại sẽ không cho chiến tranh cơ hội để phá vỡ sự ổn định trên trái đất mà thổi bùng lên khát vọng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Niềm tin này không chỉ được xây dựng trên truyền thống cao đẹp "đem đại nghĩa để thắng hung tàn" của nhiều thế hệ người Việt Nam, mà đã trở thành chính sách đối ngoại chủ đạo, đường lối phát triển nhất quán và mục tiêu lâu dài của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Trên tinh thần đó, Việt Nam đề cao việc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước và vì lợi ích chung trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước Luật Biển 1982 cũng như những thỏa thuận liên quan.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhận thức đầy đủ rằng tránh xung đột không thể là quyết tâm của một bên mà cần có thiện ý từ các quốc gia khác. Dẫu rằng cạnh tranh và tìm kiếm ảnh hưởng là một xu hướng bình thường của chính trị quốc tế, nhưng trỗi dậy hòa bình là nguyên tắc bất biến. Căng thẳng, xung đột khó có thể được hóa giải khi các quốc gia không tôn trọng chủ quyền, độc lập của nhau hay có "những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền" như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng đề cập trong bài phát biểu gây tiếng vang mạnh mẽ tại Đối thoại Shangri-La 2013 ở Singapore. Nếu như cách đây 237 năm, bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ từng khẳng định "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng". Thì đến ngày hôm nay, tư tưởng của Tổng thống Thomas Jefferson vẫn là niềm cảm hứng để cộng đồng quốc tế tin tưởng rằng các quốc gia trên thế giới dù lớn hay nhỏ đều có quyền bình đẳng như nhau trước luật pháp và dưới mái nhà chung LHQ. Một nước lớn không chỉ là quốc gia đông dân hay rộng lớn về lãnh thổ, mà còn phải là những tấm gương về kiến tạo hòa bình, có vai trò tích cực trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu nhằm duy trì sự ổn định của thế giới.
Lịch sử nhân loại chứng minh một thực tế, chiến tranh không chỉ cướp đi hàng trăm, hàng triệu mạng sống vô tội mà còn là một nguyên nhân dẫn đến hệ lụy ghê gớm là đói nghèo. Vì vậy, tạo dựng hòa bình còn có ý nghĩa quyết định trong việc mang đến cho nhân loại cơ hội để giành chiến thắng trên một mặt trận khó khăn khác. Đó là cuộc chiến chống nghèo đói. Phải khẳng định rằng, mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ là nỗ lực thoát nghèo thành công nhất của thế giới khi giảm được hơn một nửa số lượng người nghèo - tương đương với khoảng 1 tỷ người - trong những năm từ 1990 đến 2010. Thế nhưng, trong số hơn 7 tỷ công dân của hành tinh vẫn có khoảng 1,1 tỷ người đang sống dưới mức cực kỳ nghèo. Chiến lược giảm thêm 1 tỷ người trong diện cùng cực này đến năm 2030 được đánh giá là vô cùng nan giải. Các biện pháp diệt "giặc đói" đang bị cản trở bởi những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng, thiên tai… và khiến những nước nghèo, người nghèo càng thêm nghèo khó. Tuy nhiên, trong khó khăn không phải không có những cơ hội. Ý chí tự lực vươn lên cùng với sự hỗ trợ của những quốc gia khác và LHQ đã giúp nhiều nước ra khỏi bản danh sách đói nghèo của thế giới. Trong đó, Việt Nam đã luôn được nhắc đến như một điển hình thành công trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội để người dân được thụ hưởng những thành quả của phát triển.
Từ đống tro tàn của chiến tranh và thiếu đói nặng nề, giờ đây Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế năng động, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và một thị trường kinh doanh đầy hứa hẹn. Điều đó cho thấy rằng sự thịnh vượng sẽ tới nếu như có hòa bình. Nhưng hòa bình sẽ khó bền vững nếu không có niềm tin lẫn nhau. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu xây dựng lòng tin chiến lược sẽ là cơ sở căn bản để các quốc gia xóa bỏ bất đồng và sự nghi kỵ. Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác và cũng là động lực để ngăn chặn xung đột. Thông điệp nhiều ý nghĩa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại khóa họp lần thứ 68 của Đại hội đồng LHQ đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới không còn xung đột, bất công và đói nghèo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.