(HNM) - Sau 3 tuần hàng loạt quốc gia vùng Vịnh tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar, cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất tại khu vực kể từ năm 1991 vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Mạng lưới truyền hình vệ tinh Al-Jazeera của Qatar đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa theo yêu cầu của các nước vùng Vịnh. |
Trong số các yêu cầu được đề cập, các nước Arab vùng Vịnh đề nghị Doha hạn chế quan hệ hợp tác với Iran, đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và ngừng hợp tác quân sự với Ankara, chấm dứt các cuộc tiếp xúc với phe đối lập chính trị ở Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain, dừng mọi quan hệ với các “tổ chức khủng bố” như Anh em Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Al-Qaeda, Hezbollah, đóng cửa mạng lưới truyền hình vệ tinh hàng đầu của Doha là Al-Jazeera và các chi nhánh của kênh này… Qatar cũng nhận được yêu cầu thanh toán một khoản tiền đền bù cho những tổn thất mà cuộc khủng hoảng ngoại giao gây ra.
Cho dù đang bị cô lập, Qatar đã tuyên bố bác bỏ yêu cầu của các quốc gia láng giềng và cho rằng đây là động thái nhằm hạn chế chủ quyền của quốc gia vùng Vịnh này. Các tổ chức nhân quyền tại Qatar lên án những yêu cầu trên, nhấn mạnh đây là sự vi phạm các công ước về quyền con người và không thể được chấp nhận.
Phát ngôn viên Chính phủ Qatar Sheikh Saif Al Thani cho rằng, bản yêu sách trên càng khẳng định những gì mà Qatar đã phân tích ngay từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng. Nó là minh chứng cho thấy hành động phong tỏa của các nước trong khu vực đối với Doha không liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố. Qatar sẽ xem xét tài liệu này với “sự tôn trọng người anh em Kuwait” - quốc gia đang đứng ra làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh, đồng thời Bộ Ngoại giao Qatar cũng sẽ sớm đưa ra phản ứng chính thức dựa trên sự tôn trọng an ninh khu vực.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, yêu cầu của Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác là một cuộc tấn công vào chủ quyền của Qatar. Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao và ủng hộ lập trường của Qatar trong việc không tuân theo 13 yêu cầu trên.
Giới phân tích nhận định, giữa cao trào của cuộc khủng hoảng, những yêu sách của các nước Arab vùng Vịnh gửi tới Qatar một thông điệp cứng rắn: Hoặc tuân thủ những chính sách chung hoặc phải trả giá. Đây được coi là lời kêu gọi cho một cuộc “đại tu” về chính sách đối ngoại của Qatar trong khu vực. Động thái này sẽ buộc Qatar phải đưa những tính toán theo con đường phù hợp với tầm nhìn của Saudi Arabia - nền kinh tế lớn nhất Trung Đông và cũng là “người canh giữ” biên giới trên đất liền duy nhất của nước này.
Kể từ khi bị các quốc gia trong khu vực cắt đứt quan hệ ngoại giao và áp đặt các biện pháp kiềm tỏa, Qatar liên tục khẳng định đất nước này có thể vượt qua những trở ngại về kinh tế và ngoại giao. Đại sứ Qatar tại Mỹ Meshal bin Hamad Al Thani cho biết, Qatar có thể tiếp tục duy trì trạng thái như hiện nay mà không hề bị ảnh hưởng, đồng thời cũng không cảm thấy có áp lực phải giải quyết cuộc khủng hoảng một cách nhanh chóng.
Mặc dù là một quốc gia nhỏ bé với dân số hơn 2 triệu người, Qatar là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới. Cơ quan đầu tư Qatar nắm giữ cổ phần lớn trong các công ty quan trọng của phương Tây như Volkswagen hay Barclays, đồng thời cũng đầu tư vào các tài sản có giá trị trên khắp hành tinh. Ngoài ra, Doha hiện đang nhận được sự hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực từ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mọi hoạt động giao thương bị đình trệ do chịu phong tỏa từ các quốc gia lân cận...
Bản yêu cầu 13 điểm có thể sẽ khởi động các cuộc thương lượng giữa Qatar và các nước trong khu vực nhưng cũng có thể là “giọt nước tràn ly” khiến khủng hoảng ngày một leo thang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.