(HNM) - Vượt qua năm Tân Mão 2011, Thăng Long - Hà Nội bước qua năm đầu tiên của thập kỷ thứ hai thiên niên kỷ thứ ba đầy biến động và thách thức.
Những ngày này, mọi nẻo đường của Hà Nội đều ngập tràn sắc xuân. Đất trời giao hòa tạo nên chiếc áo rực rỡ khoác trên thành phố đang từng ngày chuyển mình mãnh liệt hòa cùng sự phát triển chung của đất nước. Khi Tết đến, Xuân về với mỗi mái ấm gia đình, chúng ta có thể cảm nhận rõ nét hơn những đổi thay trong cuộc sống thường ngày mà bắt đầu ngay từ từng "tế bào" của xã hội. Từ đó nhìn rộng ra, có thể thấy những thành quả lớn lao mà Hà Nội đã đạt được qua 365 ngày trong năm Tân Mão 2011.
|
Duy trì đà tăng trưởng, ổn định kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội là nền tảng để Thủ đô vững bước và phát triển. Ảnh: Duy Anh |
Trước hết, năm 2011 là năm đầu tiên Đảng bộ TP Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP. Đây là những Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020 của Thủ đô. Do vậy, kết quả thực hiện trong năm đầu tiên (năm 2011) có ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo tiền đề thuận lợi cho các năm tiếp theo, quyết định đến hiệu quả việc đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, đây cũng chính là thời điểm kết thúc 10 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa VIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2001-2010. Việc nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận những kết quả đạt được cùng những tồn tại, hạn chế với nguyên nhân khách quan, chủ quan sẽ giúp cho Thủ đô tiếp tục phát huy hiệu quả tiềm năng và vị thế trong giai đoạn mới.
Trong năm 2011, từ yêu cầu của thực tế tình hình, Đảng bộ thành phố đã xây dựng 9 chương trình công tác trọng tâm, thành lập Ban chỉ đạo để nhanh chóng triển khai các đề án, chuyên đề, trong đó ưu tiên xây dựng hạ tầng KT-XH, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững… Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt từ thành phố tới cơ sở là đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng cụ thể, sâu sát, kiên quyết, hiệu quả. Nhờ các biện pháp đồng bộ và quyết liệt, mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP năm 2011 đạt 10,13%, tuy thấp hơn năm 2010 (11,04%) và thấp hơn chỉ tiêu đề ra (12%), nhưng vẫn cao hơn 1,67 lần của cả nước. Đặc biệt, thu ngân sách của Hà Nội lần đầu tiên đạt mức hơn 123.000 tỷ đồng, chiếm 24% tổng thu ngân sách của cả nước. Cùng với đó là việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Hàng loạt DN được huy động vào cuộc cùng với việc dành 560 tỷ đồng cho mục tiêu dự trữ hàng hóa bình ổn giá; hàng chục nghìn gia đình chính sách, hộ nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn; hàng trăm nghìn công nhân, viên chức được tạo cơ hội cải thiện điều kiện về nhà ở… Kết quả là đến Tết Nhâm Thìn 2012 đã có khoảng 24 nghìn hộ dân của Hà Nội thoát nghèo.
Ở một khía cạnh khác, trước ngày 1-8-2008, khu vực nông thôn Hà Nội có khoảng 1,2 triệu người dân sinh sống, chiếm 35% tổng số dân cư. Sau đó, thực hiện mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội, với hơn 3.300km2, Hà Nội nằm trong số 17 thành phố, thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Tuy nhiên diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội lên tới 192.000ha, chiếm 57,6% diện tích Thủ đô, lao động nông thôn có trên 2,4 triệu người, chiếm 62,5% lực lượng lao động trong độ tuổi của TP. Như vậy, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân như tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển Thủ đô, thực hiện CNH-HĐH. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Công Soái nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên phải coi công cuộc xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu của phát triển bền vững; vừa là nhiệm vụ cấp bách, là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với tinh thần đó, phong trào xây dựng nông thôn mới đã được Hà Nội quyết liệt thực hiện.
Duy trì đà tăng trưởng kinh tế bảo đảm an ninh chính trị, giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh bức xúc… thành công của Hà Nội trong năm Tân Mão là sự tiếp nối của mạch nguồn đổi mới với nỗ lực tột bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Trên tinh thần đoàn kết, sáng tạo, Hà Nội đã hình thành một phong cách mới trong lãnh đạo: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chọn đúng khâu đột phá, thực hiện kiên quyết, mang lại hiệu quả cao.
Cũng trong năm 2011, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây chính là cơ sở, tiền đề, là định hướng để Hà Nội xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển KT-XH ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Và tiếp đó, ngay trong những ngày đầu năm mới 2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt tập thể Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với yêu cầu cấp bách của việc phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới để xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Những quy hoạch nêu trên sẽ hoạch định cho sự phát triển của Hà Nội trong một tổng thể chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và dự thảo Luật Thủ đô đang được gấp rút hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua không chỉ có ý nghĩa với riêng Hà Nội mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước trong việc huy động tối đa sức mạnh tổng hợp về cả vật chất và tinh thần trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị sẽ khắc phục những tồn tại, bất cập đã bộc lộ trong giai đoạn 2001-2010. Việc tiếp tục phân cấp mạnh cho Hà Nội trên một số lĩnh vực đặc thù như quản lý đô thị, đầu tư, tài chính... sẽ giúp thành phố tăng tính tự chủ trong giải quyết công việc hằng ngày một cách nhanh chóng, thuận lợi; mặt khác, có thể khai thác, tận dụng được tối đa mọi nguồn lực đối với yêu cầu phát triển. Những vấn đề như xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng phát triển khoa học công nghệ cao… chắc chắn sẽ có bước chuyển mạnh mẽ để đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tế. Thêm một thuận lợi đối với Hà Nội trong triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đó là 10 năm qua thành phố đã lựa chọn việc đổi mới công tác cán bộ là khâu đột phá nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ, hiệu quả, chất lượng. Hàng loạt các biện pháp đã được khiển khai như xây dựng cơ cấu cán bộ khoa học; luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chú trọng phát triển cán bộ trẻ, cán bộ nữ; ưu đãi, trọng dụng nhân tài… Có một đội ngũ cán bộ xứng tầm chính là yếu tố then chốt quyết định kết quả việc đưa các nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Cùng với những cố gắng, nỗ lực, khơi mở bằng được mọi nguồn nội lực của Hà Nội, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trung ương, hoạt động liên kết, hợp tác của các địa phương trong cả nước với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội" chính là điều kiện cần và đủ để tạo ra động lực lớn giúp cho Thủ đô phát triển.
Đánh giá đúng những nỗ lực và thành tựu, nhìn rõ những lợi thế và cơ hội để kịp thời nắm bắt, vạch ra những thách thức, khó khăn, chỉ ra những yếu kém, bất cập để chủ động đối phó, tin chắc Hà Nội sẽ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị trong công cuộc kiến tạo và phát triển Thủ đô. Năm mới, thành phố hơn nghìn năm tuổi sẽ bước vào một chặng đường mới với sức bật mới.