Ngày 24-7, một tòa án ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành xét xử 17 người làm việc tại nhật báo Cumhuriyet vì tình nghi họ có quan hệ với các nhóm khủng bố.
Hai nhà báo Can Dundar (phải) và Erdem Gul (trái) của nhật báo Cumhuriyet từng bị bắt và trả lời báo giới sau khi được trả tự do tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26-2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các bị cáo gồm Giám đốc điều hành nhật báo Cumhuriyet Akin Atalay, Tổng biên tập Murat Sabuncu cùng một số phóng viên và họa sĩ của báo này bị buộc tội có quan hệ với Đảng Công nhân người Cuốc (PKK) vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ đặt ngoài vòng pháp luật và Tổ chức khủng bố Fethullahist, một mạng lưới ủng hộ Giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ, người bị Ankara cho rằng đứng đằng sau âm mưu đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7-2016.
Các công tố viên cho biết, trong số những bị cáo trên có 11 người bị bắt cách đây hơn 8 tháng, trong khi 6 bị cáo còn lại mặc dù được tự do nhưng vẫn chịu sự giám sát của pháp luật. Dự kiến phiên tòa này sẽ kéo dài 4 ngày và nếu bị buộc tội, các bị cáo trên sẽ phải chịu mức án từ 7,5 đến 43 năm tù giam.
Trước đó, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23-7 đã bắt giữ 61 người tại thủ đô Ankara tham gia biểu tình ủng hộ 2 giáo viên bị bắt giam cách đây 2 tháng. Kênh truyền hình CNN tại Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin cảnh sát đã dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình tụ tập tại quảng trường Kizilay ở trung tâm thủ đô Ankara.
Tuy nhiên, sau đó nhiều người đã cố tình quay lại để biểu tình. Hoạt động biểu tình này được tiến hành nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với 2 giáo viên đang bị giam giữ. Trước nữa, một giảng viên và một giáo viên tiểu học đã tuyệt thực sau khi bị sa thải theo một sắc lệnh của chính quyền, một phần trong cuộc thanh lọc lĩnh vực công sau vụ đảo chính bất thành.
Một tòa án ở nước này đã ra lệnh bắt tạm giam 2 giáo viên trên do nghi vấn cuộc biểu tình tuyệt thực của họ được tiến hành nhân danh một nhóm cực tả bị đặt ngoài vòng pháp luật có tên DHKP-C. Tuy nhiên, cả 2 cho rằng hành động tuyệt thực của họ nhằm thể hiện nỗi tuyệt vọng của khoảng 150.000 viên chức nhà nước, trong đó có các giảng viên đại học, công chức, thẩm phán, binh lính... bị đình chỉ công tác hoặc bị sa thải sau cuộc đảo chính hôm 15-7 năm ngoái, với cáo buộc có liên quan các tổ chức khủng bố.
Tính đến nay, ngoài việc sa thải 150.000 viên chức nhà nước với cáo buộc có liên quan các tổ chức khủng bố, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ còn bắt giữ khoảng 50.000 người bị tình nghi liên quan mạng lưới ủng hộ Giáo sĩ Fethullah Gulen. Các nhóm nhân quyền và Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lợi dụng hành động trấn áp để đàn áp các lực lượng chống đối ở nước này, cáo buộc luôn bị Ankara bác bỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.