(HNM) - Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ở huyện Hoài Đức đã tồn tại nhiều năm qua và là nguồn xả thải “đầu độc” sông Nhuệ, sông Đáy. Đã có một số dự án xử lý nước thải, chất thải làng nghề từng đi vào hoạt động… nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn. Sự kiện Nhà máy Xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà
Bức tranh môi trường làng nghề
Là huyện ở cửa ngõ Thủ đô, những năm gần đây Hoài Đức mang thêm khá nhiều nét đặc trưng của một đô thị mới. Thế nhưng khi có mặt tại các làng nghề ở đây, chúng ta sẽ nhìn thấy một thực tế khác. Tại bãi đất trống ở đầu đường rẽ vào xã Dương Liễu, hàng loạt xe ô tô tải, xe cẩu nhỏ nhộn nhịp từ sáng đến chiều bốc dỡ hàng nghìn tấn dong và sắn. Đây là nguyên liệu chính để người dân xã Dương Liễu sản xuất miến, bún, bánh phở khô, mạch nha, bánh, kẹo… Dọc đường làng, nhiều hộ đặt máy rửa sắn, củ dong ngay trước cửa nhà, trên miệng hệ thống thu gom nước thải. Toàn bộ đất, cát từ việc rửa nông sản đến bã sắn, dong đều không được xử lý mà trôi thẳng ra hệ thống cống rãnh của xã với số lượng khoảng 480 tấn/ngày.
Bãi tập kết nông sản tại xã Dương Liễu. |
Hồ điều hòa xã Dương Liễu rộng khoảng 4.000m2 nhưng lúc nào cũng đặc quánh bã thải từ sắn, dong tồn đọng từ năm này qua năm khác, rồi từ đó đổ thẳng ra kênh T2, trôi xuôi ra sông Nhuệ… Ông Ngô Văn Minh, cán bộ Văn phòng UBND xã Dương Liễu cho biết: Dương Liễu được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề chế biến nông sản từ năm 2001. Tính đến tháng 6-2016, toàn xã có 3.120/3.466 hộ tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Do đặc thù của sản xuất và chế biến nông sản là lượng nước thải và bã thải xả ra rất nhiều, các hộ lại sản xuất ngay tại gia đình nên hệ thống tiêu thoát không đáp ứng kịp, gây ứ đọng. Qua quá trình phân hủy, nước thải, bã thải từ sắn, dong phát sinh mùi xú uế. Đặc biệt, các hộ làm nghề chế biến nông sản đều sử dụng nước giếng khoan nên nguy cơ cạn kiệt nước ngầm có thể xảy ra. Chưa kể, do tình trạng ô nhiễm môi trường đã tồn tại rất nhiều năm nên nguồn nước ngầm cũng dễ bị ô nhiễm, trong khi đó đây là nguồn nước sử dụng chính của bà con…
Ô nhiễm cũng là tình trạng chung của các xã Minh Khai, Cát Quế, Sơn Đồng… Đặc biệt, ở Cát Quế và Sơn Đồng còn thêm nhiều hộ nuôi lợn quy mô lớn nên không khí luôn phảng phất mùi “đặc trưng”. Dòng kênh T2 khi đổ dồn về địa phận xã Sơn Đồng, bã thải lắng đọng, phân hủy bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Một người dân sống ngay cạnh cầu Chợ Đồng bắc qua kênh T2 ở ngã tư xã Sơn Đồng than thở: “Tình trạng ô nhiễm của kênh T2 ở mức nghiêm trọng khoảng 20 năm nay. Toàn bộ các cửa nhà, chúng tôi luôn phải đóng kín, đặc biệt vào khoảng thời gian cuối năm, mùi xú uế bốc lên không sao chịu nổi”… Thực tế này đồng nhất với kết quả phân tích chất lượng nước tại các công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình trên địa bàn xã Sơn Đồng do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT) thực hiện trong tháng 8-2016. Cụ thể, trong 8 mẫu nước sinh hoạt đã qua xử lý phân tích, nhiều mẫu nước có hàm lượng sắt, amoni, pecmanganat, asen… vượt quy chuẩn.
Vận hành mô hình xử lý nước thải
Kênh T2 dài hơn 11,1km, chảy qua địa bàn 16 xã của huyện Đan Phượng và Hoài Đức. Theo ông Nguyễn Thạc Kiên, Trưởng phòng Kỹ thuật Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Đan Hoài (thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy), kênh T2 ô nhiễm nặng vào dịp cuối năm do người dân các xã làng nghề vào vụ sản xuất chính. Tình trạng này lặp đi, lặp lại từ năm này qua năm khác khiến tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn. Trước thực tế này, nhiều chương trình, dự án cải thiện tình trạng ô nhiễm đã được triển khai nhưng đều không mang lại hiệu quả như mong muốn. Cụ thể, từ năm 1995-2001, huyện Hoài Đức đã đầu tư xây dựng công trình sản xuấ́t phân hữu cơ từ bã sắn và xử lý nước thải ở xã Dương Liễu trị giá gần 5 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, công trình đã được bàn giao cho Công ty TNHH Mặt Trời Xanh khai thác, sử dụng nhưng không phát huy được. Mặt khác, công ty này cũng không tìm được thị trường cho sản phẩm phân bón hữu cơ nên sản xuất bị trì trệ. Ngoài ra, năm 2002, được sự giúp đỡ của Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), xã Minh Khai đã hoàn thành công trình xử lý nước thải với công suất 120m3/ngày, nhưng sau một thời gian ngắn, công trình đã phải “đắp chiếu” do đặt sai vị trí.
Đầu tháng 10-2016, Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà (đặt tại xã Dương Liễu) khánh thành, đi vào hoạt động là niềm hy vọng lớn của cán bộ và nhân dân các xã làng nghề. Sau 10 tháng khởi công, nhà máy đã đi vào hoạt động với công suất thiết kế 20.000m3/ngày đêm. Hệ thống xử lý nước thải sử dụng công nghệ xử lý sinh học khép kín, với dây chuyền thiết bị tự động hóa hoàn toàn nhập khẩu từ Châu Âu. Dự án sử dụng thiết bị pin năng lượng mặt trời để phục vụ cho hoạt động của nhà máy với quy mô lớn đầu tiên của TP Hà Nội. Đây là công trình xử lý nước thải hiện đại, đồng bộ, khép kín không phát thải mùi thứ cấp, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn Thủ đô QCTĐHN 02:2014/BTNMT.
Là hộ gia đình chuyên sản xuất miến, anh Nguyễn Huy Khải (xã Dương Liễu) cho biết: “Từ khi có nhà máy xử lý nước thải, cống rãnh trong làng ít bị ứ đọng. Chúng tôi mong mỏi môi trường nước, không khí… được cải thiện để sản phẩm của làng nghề có chất lượng tốt hơn”. Quan sát kênh T2 tại khu vực ngã tư xã Sơn Đồng, chúng tôi nhận thấy lượng bã thải đã giảm, nước tuy vẫn có màu đen và mùi khó chịu nhưng đã không còn đặc quánh, đóng thành mảng dày như trước kia. Ông Nguyễn Như Hải, cán bộ Văn phòng UBND xã Sơn Đồng cho biết: “Từ khi Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà hoạt động, lượng bã thải tồn đọng tại kênh T2 đoạn qua xã Sơn Đồng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, để biết thực sự hiệu quả ở mức độ nào, cần có thêm thời gian đánh giá vì hiện nay mới là đầu vụ sản xuất chế biến nông sản”.
Những thay đổi hiện chưa rõ nét, nhưng với một nhà máy xử lý nước thải làng nghề có quy mô lớn đã được vận hành, người dân kỳ vọng mô hình này sẽ được nhân rộng để hóa giải tình trạng ô nhiễm tồn tại lâu nay ở các làng nghề truyền thống. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Hoài Đức đang triển khai 2 dự án xử lý nước thải tại xã Vân Canh và Sơn Đồng với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Chánh Văn phòng UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Xuân Lý cho biết: “Theo quy hoạch, khi cả 3 nhà máy đi vào hoạt động, cơ bản sẽ thu gom, xử lý được toàn bộ lượng nước thải của các xã phía Bắc huyện Hoài Đức. Điều này sẽ góp phần cải thiện tích cực tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề so với hiện nay”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.