Nông thôn mới

Làng Táo đón nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”

Minh Phú 15/04/2024 - 14:21

Sáng 15-4, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ tổ chức Lễ đón Bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” đối với làng nghề cắt may làng Táo.

tao-3.jpeg
Lãnh đạo huyện Phúc Thọ và xã Tam Thuấn trao Bằng công nhận danh hiệu "Làng nghề Hà Nội" cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân làng Táo. Ảnh: Mai Nguyễn

Làng Táo, xã Tam Thuấn có 3 thôn: Táo 1, Táo 2, Táo 3. Làng có gần 630 hộ, hơn 2.500 nhân khẩu. Trong đó, có khoảng 24,4% số hộ làm nghề cắt may với hơn 800 lao động.

Theo Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn Nguyễn Văn Đính, nghề cắt may được nhân dân trong thôn phát triển từ những năm 2000. Khi đó, trong làng có một số người đi học nghề cắt may ở xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ), xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên)… trở về địa phương sản xuất rồi truyền dạy cho mọi người.

Sản phẩm chính ở làng Táo là áo polo, áo chống nắng, quần áo gió, nỉ, thể thao, đồng phục học sinh… Hiện, một số sản phẩm của làng còn được xuất khẩu sang Lào, Campuchia...

Từ khi có nghề may, đời sống vật chất, tinh thần của người dân làng Táo ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân của người làm nghề đạt 120 triệu đồng/năm.

tao-1.jpg
Làng Táo có khoảng 24,4% số hộ làm nghề cắt may với hơn 800 lao động. Ảnh: Mai Nguyễn

100% đường làng, ngõ xóm đã bê tông hóa, các trục chính được nhựa hóa, bảo đảm phong quang sạch đẹp, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của bà con trong làng phát triển mạnh.

Trao Bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” của Chủ tịch UBND thành phố cho đại diện chính quyền và nhân dân địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu đánh giá, từ nghề này, nhiều gia đình trở nên giàu có, tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt, người dân làng Táo luôn luôn đoàn kết xây dựng quê hương không ngừng phát triển.

Tuy vậy, để làng nghề có bước tiến xa hơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cũng lưu ý cấp ủy, chính quyền và các cơ sở sản xuất, cần làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, xử lý tốt các vấn đề về chất thải, bảo đảm sức khỏe cho người lao động; làm tốt công tác quy hoạch về hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe, khu trung tâm giới thiệu sản phẩm của làng nghề để đầu tư tạo điều kiện cho các hộ phát triển nghề…

Thời gian tới, xã Tam Thuấn cần tiếp tục hỗ trợ và tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho làng nghề, lựa chọn các sản phẩm chất lượng cao để tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm của thành phố để khẳng định chất lượng sản phẩm, nâng cao đời sống người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Táo đón nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.