Nông nghiệp - Nông thôn

Hà Nội xây dựng đề án tổng thể phát triển làng nghề

Thúy Nga 10/04/2024 - 16:09

UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2024.

hanoimoi.com.vn-uploads-images-phananh-2022-11-27-_langnghe.jpg
Khách hàng chọn mua sản phẩm lụa tại làng Vạn Phúc (quận Hà Đông). Ảnh: Đỗ Tâm

Kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của làng nghề, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Đồng thời huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển làng nghề, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, kế hoạch tập trung triển khai 3 mục tiêu gồm: Xây dựng "Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050"; ban hành Quy định một số nội dung, mức hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12-4-2018 của Chính phủ; xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống” Hà Nội năm 2024 cho 15 làng nghề.

Để làm tốt việc này, kế hoạch đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Xây dựng và thực hiện chính sách; áp dụng khoa học và công nghệ; đào tạo nhân lực; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại; hỗ trợ vốn và phổ biến chính sách thuế; giao đất, cho thuê đất và bảo vệ môi trường làng nghề; phát triển, bảo tồn làng nghề gắn với du lịch, giáo dục trải nghiệm.

UBND thành phố giao các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tại địa phương, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành khác để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch này; mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.

Song song đó, phổ biến, tuyên truyền chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện các chương trình, đề án, dự án hoặc các hoạt động có liên quan tiếp cận các nguồn lực, chính sách hỗ trợ. Đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm ngành nghề nông thôn nhằm quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội xây dựng đề án tổng thể phát triển làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.